Vụ Hòn Rùa bị “xẻ thịt” - Dấu hiệu “vẽ” dự án để lấy đất

Liên quan đến vụ việc đảo Hòn Rùa (Nha Trang) đang bị xâm hại, chúng tôi phát hiện nhiều nghi vấn đối với mục đích thực sự trong việc lập dự án của chủ đầu tư.

 
 Những “vết cắt” do chủ đầu tư tạo ra đang phá nát đảo Hòn Rùa
Những “vết cắt” do chủ đầu tư tạo ra đang phá nát đảo Hòn Rùa

Theo giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Sinh thái Hòn Rùa được thực hiện dự án “Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa”. Theo đó, dự án có diện tích hơn 14ha, trong đó có 2,75ha diện tích đất, 0,125ha diện tích bãi biển và bãi đá, còn lại 11,3ha là diện tích mặt nước liền kề. Nếu chiếu theo giấy phép thì việc trồng rừng là mục tiêu chính của dự án này, khi nó được đưa lên hàng đầu trong danh mục đầu tư. Còn trồng rong kết hợp du lịch chỉ là hạng mục phụ trợ. Tuy nhiên, một dự án trồng rừng chỉ vẻn vẹn được sử dụng 2,75ha đất, lại trồng trên một hòn đảo cằn cỗi thì hiệu quả kinh tế có cao khi dự án này có tổng mức đầu tư cho các hạng mục là 56 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ so với một dự án trồng rừng kinh tế thông thường?

Theo quy định, trước khi được phê duyệt dự án trồng rừng, dự án phải qua nhiều cấp quản lý thẩm định, trong đó phải có ý  kiến đồng ý của Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng, qua trao đổi với báo chí, ông Lê Phước Đức, Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết, qua kiểm tra hồ sơ lưu trên hệ thống thì không thấy dự án trồng rừng của Công ty TNHH Sinh thái Hòn Rùa.

Trong khi diện tích đất có thể dùng để trồng rừng rất khiêm tốn, thì hạng mục đầu tư sử dụng mặt nước liền kề trên đảo Hòn Rùa lại lên đến 11,3ha. Trong thời gian qua, chủ đầu tư chỉ chăm chăm vào việc xẻ núi, xây dựng công trình trên đảo Hòn Rùa qua việc huy động đất, đá từ mọi nơi chở về để lấp, lấn biển xung quanh đảo. Trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án “Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa” số 243/QĐ-BTNMT, ngày 29-1-2016 của Bộ TN-MT, bộ này chỉ cho chủ đầu tư thực hiện trên diện tích 0,46ha, dưới danh nghĩa là trồng bổ sung cây để tăng độ che phủ thảm thực vật khu vực phía Đông đảo Hòn Rùa. Ngoài ra, trong quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ TN-MT, không có cụm từ nào cho phép chủ đầu tư lấp, lấn biển.

Bên cạnh đó, quyết định này cũng không cho phép chủ đầu tư vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ giai đoạn xây dựng và hoạt động của dự án nói trên. Thế nhưng, việc đổ đất lấn biển của chủ đầu tư vẫn diễn ra công khai, mà theo giải thích của họ là làm đường công vụ, sau đó hoàn trả hiện trạng. Đây là những cơ sở để nghi ngờ dự án “đội lốt” trồng rừng để bức tử đảo Hòn Rùa lấn đất mặt biển để sử dụng mục đích khác.

Theo một cán bộ trong ngành lâm nghiệp tỉnh Khánh Hòa, vị trí đảo Hòn Rùa nằm ngoài phạm vi quy hoạch đất lâm nghiệp nên việc lập dự án trồng rừng ở đây phải xem lại kỹ. Cùng ngày, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa cho biết, Thanh tra sở đã phối hợp đi kiểm tra dự án Hòn Rùa. Qua báo cáo ban đầu, việc đổ đất lấp, lấn biển là có, nhưng lấn bao nhiêu phải chờ Sở TN-MT kết luận vì họ chủ trì. Sau khi có kết luận sai phạm, Sở VH-TT sẽ có quyết định xử phạt theo Luật Di sản và Sở TN-MT sẽ phạt theo Luật Môi trường.

Tin cùng chuyên mục