Ngày 22-3, phiên tòa xét xử vụ sai phạm trong hoán đổi nhà, đất số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM tiếp tục phần tranh luận.
Lừa đảo là "tham bát bỏ mâm"
Bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương bị xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cáo trạng, bà dùng tài sản của công ty là nhà đất 57 Cao Thắng để hoán đổi với nhà đất 185 Hai Bà Trưng do Trung tâm ca nhạc nhẹ quản lý sử dụng. Sau khi được hoán đổi, bà Diệp đã thế chấp nhà đất 185 Hai Bà Trưng cho Sacombank, trong khi nhà đất 57 Cao Thắng bà thế chấp tại ngân hàng Agribank TPHCM. Nhà nước đã mất quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng và không xác lập được quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với tài sản 57 Cao Thắng. Cáo trạng xác định bà Diệp chiếm đoạt tài sản của Nhà nước tại 185 Hai Bà Trưng có giá trị 186 tỷ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Luật sư Phan Trung Hoài đặt vấn đề, khoản vay 67.000 lượng vàng đã có 6 tài sản thế chấp là 6 bất động sản trị giá khoảng 95.000 lượng vàng, vậy thửa đất số 57 Cao Thắng thế chấp để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng nào? Theo luật sư, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bà Diệp luôn cho rằng việc Agribank ràng buộc toàn bộ tài sản thế chấp của công ty này cho toàn bộ các khoản vay mà không minh bạch, không phân định rõ ràng tài sản nào cho khoản vay nào, gom thành một khối tài sản để bảo lãnh chung cho các hợp đồng tín dụng của khoản vay 67.000 lượng vàng là việc làm không hợp lý, có dụng ý gây khó khăn, rắc rối trong việc giải chấp tài sản và trả nợ của Công ty Diệp Bạch Dương.
Luật sư cũng cho rằng, hồ sơ thế chấp thửa đất 57 Cao Thắng có nhiều bất thường khi 2 lần đăng ký giao dịch đảm bảo và cập nhật biến động đối với tài sản 57 Cao Thắng, Trung tâm Thông tin tài nguyên - môi trường gửi thông báo cho các cơ quan chức năng nhưng đều thất lạc và không còn lưu trữ tại cơ quan này.
Trong quá trình hoán đổi, Công ty Diệp Bạch Dương đã xin giấy phép xây dựng, xây dựng các hạng mục công trình trở thành trung tâm ca nhạc nhẹ hiện đại nhưng Agribank không có ý kiến phản đối, ngăn chặn gì đối với tài sản bị coi là đã thế chấp.
Về việc truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư cho rằng từ ngày 29-12-2010, ngày 31-12-2010, Công ty Diệp Bạch Dương và Trung tâm ca nhạc nhẹ đã hoán đổi tài sản, công ty này đã bàn giao nhà 57 Cao Thắng cho trung tâm quản lý sử dụng cho đến nay.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, Công ty Diệp Bạch Dương đã thông báo cho ngân hàng biết và ngân hàng cùng tham gia việc thực hiện hoán đổi.
Trong trường hợp bà Diệp có vi phạm sau khi được cấp giấy chứng nhận đối với căn nhà 185 Hai Bà Trưng mà không đưa vào thay thế tài sản 57 Cao Thắng là quan hệ tranh chấp khác, không phải là căn cứ buộc bà Diệp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là giá trị căn nhà 185 Hai Bà Trưng được.
Về thiệt hại, luật sư cho rằng đến nay Nhà nước chưa có thiệt hại vì Công ty Diệp Bạch Dương có quyền sử dụng đất số 185 Hai Bà Trưng từ tháng 2-2013, đổi lại Trung tâm ca nhạc nhẹ đã sử dụng đất và tài sản trên đất tại 57 Cao Thắng từ tháng 12-2010 đến nay. Nếu Nhà nước thấy giao đất cho bà Diệp là sai thì có quyền thu hồi, đồng thời trả lại các khoản tiền và tài sản đã nhận từ công ty này.
Từ đó, luật sư Hoài đề nghị HĐXX tuyên bà Diệp không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về phần dân sự, Công ty Diệp Bạch Dương và bà Diệp có yêu cầu hủy việc hoán đổi tài sản, liên quan các tranh chấp phát sinh trong quan hệ tín dụng với Agribank và tổ chức tín dụng khác, nếu không hòa giải, tìm kiếm được phương án giải quyết, Agribank hoặc tổ chức tín dụng khác có quyền khởi kiện theo trình tự tố tụng dân sự ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Các luật sư cũng lần lượt bào chữa cho bà Dương Thị Bạch Diệp. Luật sư Phạm Chính Tâm cho rằng các tài sản bảo đảm khác đã dư để bảo đảm cho các khoản vay. Diệp Bạch Dương không lý gì mà chiếm đoạt 186 tỷ đồng, tương đương với khoảng 10.000 lượng vàng thời điểm đó, với rủi ro quá lớn, bởi như thế là “tham bát bỏ mâm”. Nó quá bé so với khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng của bà Diệp.
“Tôi nhẹ dạ, tin người nên bị lừa”
Tự bào chữa, bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định mình rất bình tĩnh, xin được trình bày sự thật của vụ án. Theo bà, việc bà có thế chấp nhà 57 Cao Thắng hay không chính là mấu chốt của vụ án này. Bà cho rằng mức án chung thân mà VKS đề nghị là không khách quan, không công bằng, công tâm.
Bà nói, trong hơn 2 năm bị tạm giam không được tiếp xúc với hồ sơ vụ án, cho đến khi có cáo trạng, các luật sư mới sao chụp và gửi cho bà. Theo bà, những người biết rõ việc bà có thế chấp hay không, đều không có mặt tại tòa dù bà đã gửi đơn lên tòa đề nghị.
Một lần nữa, bà khẳng định các hợp đồng thế chấp là giả và bà bị Agribank lừa. "Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật lời khai này. Tôi là nạn nhân mà bị án chung thân. Tôi muốn thấy bản chính hợp đồng công chứng này. Hợp đồng này hoàn toàn không có trong hệ thống của Phòng Công chứng số 1 và Sở Tư pháp".
Theo bà Dương Thị Bạch Diệp, hợp đồng công chứng lẽ ra phải có ghi tay “tôi đã đọc và đồng ý”, nhưng ở đây chỉ có chữ ký. Nên bà Diệp muốn tận mắt nhìn thấy hợp đồng gốc công chứng mà phía ngân hàng cho rằng bà đã ký. Nếu bà mượn giấy chủ quyền nhà đất 57 Cao Thắng để đi hoàn công như ngân hàng nói (thực tế bà đi cấp đổi, còn hoàn công là từ trước đó rồi), thì ngân hàng phải có biên bản cho bà mượn giấy. "Nhưng chắc chắn không bao giờ có biên bản đó".
“Trong suốt mấy năm, tôi đầu tư cho nhà 57 Cao Thắng 21.000 lượng vàng bằng cả tấm lòng, tôi không nghĩ dành cả đời mình để đánh đổi số tiền đó. Tôi từng cho vay 100 ký vàng mà chỉ bằng một tờ giấy tay. Tôi là người dễ dãi, tin người và Agribank đã lừa đảo tôi”, bị cáo Diệp nhấn mạnh nhiều lần.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM nhắc lại, ông là Phó Chủ tịch Thường trực, chỉ thực hiện công việc của mình khi được Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo 09 cho phép và phân công trực tiếp cho triển khai nhiệm vụ. Theo ông, văn bản mà ông đã ký, thực ra là ông thay mặt Thường trực UBND TPHCM ký vào, và nó chỉ có ý nghĩa xác tín về mặt chủ trương, còn việc hoán đổi chưa diễn ra. Sau khi ông về hưu, văn bản đó không làm cản trở quyết định điều chỉnh hay thay đổi của UBND TPHCM khóa mới. Cụ thể là Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực đất đai khóa mới – ông Nguyễn Hữu Tín đã cho dừng lại, rà soát lại toàn bộ quá trình hoán đổi xem có đúng quy trình, quy định hay không. “Tôi nghĩ rằng ở thời điểm này nếu phát hiện sai thì cho dừng, đúng thì cho tiếp tục. Cũng mãi sau này tôi mới biết có cuộc họp này”, ông Tài nói. Ông Nguyễn Thành Tài cũng cho biết, trong các buổi làm việc với cơ quan điều tra, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM thời điểm bấy giờ đã nhấn mạnh, chính vì quyết định phân công cho Sở Tài nguyên và Môi trường cấp quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng “là bước ngoặt quan trọng dẫn tới thất thoát tài sản Nhà nước”. Do vậy bị cáo mong được HĐXX xem xét. Ngày mai, 23-3, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận. |