Công an TPHCM nhận định: Phương Nga, Thùy Dung có dấu hiệu phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo hồ sơ vụ án, ông Cao Toàn Mỹ (SN 1977, ngụ quận 7, TPHCM) và Trương Hồ Phương Nga có mối quan hệ thân thiết. Nghe Phương Nga nói có thể mua nhà với giá rẻ hơn so với giá thị trường nên ông Mỹ nhiều lần chuyển tiền cho Phương Nga tổng cộng 16,5 tỷ đồng để nhờ mua nhà giùm. Sau đó, Phương Nga cắt đứt liên lạc và không trả lại tiền đã nhận nên ông Mỹ làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về việc bị lừa tiền. Tại các phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, Phương Nga khai có quan hệ tình cảm với ông Mỹ; giữa hai người có lập “Thỏa thuận tình cảm”, trong đó xác định Nga phải duy trì tình cảm trong ít nhất 7 năm với ông Mỹ, đổi lại ông Mỹ nhiều lần chuyển khoản “tình phí” cho Nga tổng cộng 16,5 tỷ đồng. Nhận thấy vụ án còn một số nội dung chưa được làm rõ, Tòa án nhân dân TPHCM quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tại cơ quan điều tra, Phương Nga tiếp tục khẳng định ông Mỹ thỏa thuận cho tiền để hỗ trợ Nga trong việc mua nhà và mở spa, đảm bảo cuộc sống với điều kiện Nga chấp nhận làm “vợ bé” của ông Mỹ. Còn văn bản “hợp đồng tình dục” là không hề có và do Thùy Dung suy nghĩ, khai báo từ giai đoạn xét xử sau này. Trong khi đó, ông Mỹ khẳng định đưa tiền cho Nga để mua bán nhà nhưng không khai rõ được lý do chưa giao nộp tài liệu mua bán nhà mà lẽ ra ông phải nộp cho cơ quan điều tra ngay từ khi có đơn tố giác. Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM - nhận định giữa ông Mỹ và Phương Nga có quan hệ tình cảm thân thiết, nhưng không thể chứng minh có hay không quan hệ tình dục. Phương Nga và Thùy Dung có nhận 16,5 tỷ đồng do ông Mỹ chuyển; tự khai nhận là người tạo dựng các giấy tờ giả với nội dung chuyển nhượng di sản thừa kế (nhưng sau khi đã nhận tiền và bị ông Mỹ tố giác), tạo ra các tài liệu đã trả lại 16,5 tỷ đồng cho ông Mỹ. Tuy nhiên, chưa thể quy kết Phương Nga và Thùy Dung có dấu hiệu gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Đến nay đã hết thời hạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Phương Nga và Thùy Dung. Hành vi của Phương Nga, Thùy Dung có dấu hiệu phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự 1999, nhưng có thể miễn trách nhiệm hình sự do Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội “thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Trong 9 nội dung cần làm rõ, Tòa án nhân dân TPHCM yêu cầu xác định có việc gửi thư ra - vào Trại tạm giam Chí Hòa giữa Thùy Dung và ông Lữ Minh Nghĩa (bạn trai Thùy Dung) hay không. Kết quả thanh tra xác định ông N.H.N. (cán bộ quản giáo Trại tạm giam Chí Hòa) có hành vi nhận thư viết hằn lên bao bì nilon của ông Nghĩa chuyển vào buồng giam cho Thùy Dung, rồi nhận thư cấu tạo tương tự của Thùy Dung chuyển ngược cho ông Nghĩa. Tổng cộng, ông Nghĩa 4 lần gửi thư vào và Thùy Dung 4 lần gửi thư ra. Nội dung chủ yếu là ông Nghĩa thăm hỏi, dặn dò Dung giữ nguyên lời khai nhận tội như trước khi bị bắt; ông Nghĩa hỏi Dung về số tiền 16,5 tỷ đồng đang ở đâu, động viên Dung tác động gia đình khắc phục hậu quả.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra nhận định, hành vi chuyển thư ra - vào Trại tạm giam Chí Hòa là tổ chức thông cung. Tuy nhiên, đối chiếu với tài liệu chứng cứ trước khi Phương Nga, Thùy Dung bị bắt thì việc thông cung này không làm thay đổi bản chất tài liệu, chứng cứ của vụ án tại thời điểm trao đổi thư qua lại.