Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Thanh tra Bộ NN-PTNT, vụ việc phát hiện được do nguồn tin từ người dân cung cấp. Sau hơn 1 tháng các trinh sát “nằm vùng” để tìm hiểu cách thức, cũng như hoạt động của các đối tượng tiêm thuốc an thần vào cho heo ở cơ sở giết mổ, đến tối 28-9, Đoàn liên ngành đã ập vào kiểm tra phát hiện 2 người đang tiêm thuốc an thần vào heo để gây ngủ, không bị ức chế thần kinh. Đoàn tiến hành kiểm tra toàn bộ lượng heo trong cơ sở giết mổ.
Vào thời điểm trên, cơ sở giết mổ Xuyên Á mới nhập vào 5.031 con và còn 200 con tồn trước đó.
“Các đối tượng tiêm thuốc rất chuyên nghiệp theo kiểu “tự động”. Kim tiêm được nối trực tiếp với chai dung dịch để chích liên tục thay vì bơm từng ống. Qua xét nghiệm, có 13/21 thương lái với tổng số 3.750 con heo dương tính với thuốc an thần có hoạt chất gây ngủ. Chai thuốc an thần mang đi xét nghiệm có hàm lượng Acepromazine 0,47-0,51 mg/ml, là quá cao so với quy định của Bộ Y tế”, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo quy định xử phạt hành chính thì mức phạt với hành vi tiêm thuốc nguy hiểm vào heo có mức phạt từ 30 – 35 triệu đồng/đối tượng. Trong đó có 2/13 thương lái cam kết không thực hiện tiêm thuốc an thần. Tuy nhiên, xét nghiệm có kết quả heo dương tính với thuốc an thần, nên các đối tượng bị phạt mức cao nhất. Đồng thời, Chi cục Thú y TPHCM đề nghị, cơ sở giết mổ cắt hợp đồng đối với 2 thương lái này.
Do thuốc an thần này nhập từ nước ngoài có công dụng 24 tiếng. Nên chiều nay, Đoàn tiến hành kiểm tra lại các con heo đang được nuôi tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, nếu không còn dương tính sẽ được giết mổ.
Theo Cục Thú Y, heo được tiêm thuốc an thần để trong lúc vận chuyển sẽ ngủ li bì, không bị sốc, ngộp dẫn đến chết hoặc không cắn nhau tạo vết trầy xước trên da. Đồng thời, thịt heo sẽ đỏ, mềm dẻo, nhất là phần đùi. Nhưng người tiêu dùng nếu sử dụng phải heo bị tiệm thuốc an thần thời gian dài sẽ mắc bệnh tiêu hóa, thận, thần kinh và run tay chân…
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y TPHCM tự nhận khuyết điểm nhân viên vẫn còn yếu kém trong việc kiểm tra. Trước kia, các đối tượng chỉ tiêm thuốc cho heo trước lúc vận chuyển nhưng nay tinh vi hơn là tiêm thuốc an thần trong lúc nhốt tại khu lưu trữ của cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Cụ thể, tại cơ sở giết mổ Xuyên Á có 17 nhân viên làm việc đầy đủ từ 22 giờ tới sáng. Thời gian còn lại chỉ có xe nhập heo vào cơ sở giết mổ nên lực lượng Thú y chỉ có 7 người kiểm tra với khối lượng công việc rất nhiều như giấy tờ và bằng cảm quan. Bên cạnh đó, khu lưu trữ heo nằm khuất sâu bên trong cơ sở và khi có lực lượng chức năng vào thì dùng thanh sắt “đánh vào chuồng” để cảnh giới.
Hơn 1 tháng theo dõi, cảnh sát có thể phát hiện nhân viên thú y có hành vi tiếp tay, nhận tiền để bỏ qua sai phạm. Nếu như cơ quan công an cung cấp thông tin về sự sai phạm của nhân viên thú y thì Chi cục sẽ có hình thức xử lý theo quy định.