Liên quan vụ việc nhiều bé trai bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, mắc bệnh sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại phòng khám tư của y sĩ Hoàng Thị Hiền ở huyện Khoái Châu,
PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Da liễu Trung ương cho biết, Hội đồng chuyên môn bao gồm các chuyên gia về da liễu, dịch tễ, sinh hóa, nhi khoa… nhằm đánh giá khách quan, truy tìm căn nguyên, nguồn lây bệnh sùi mào gà cũng như đưa ra những định hướng để giải quyết, xử lý được hết số trẻ mắc sùi mào gà trong cộng đồng.
PGS.TS Lê Hữu Doanh cũng cho biết, virus HPV gây bệnh sùi mào gà không dễ phát bệnh ngay mà có khi đến hàng tuần, thậm chí vài tháng sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh, hoặc can thiệp y tế không đảm bảo mới phát bệnh. Đáng lưu ý, trong khi hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây trong cộng đồng nên người dân khi có nghi ngờ đã từng tiếp xúc với nguồn lây hoặc trẻ có các can thiệp y tế ở bộ phận sinh dục như: chít hẹp bao quy đầu cần theo dõi sát sao và đưa trẻ kiểm tra tại cơ sở y tế uy tín nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.
PGS.TS Lê Hữu Doanh
Đại diện Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cho biết từ đầu tuần tới nay đã có thêm 22 trẻ mắc sùi mào gà đến khám tại bệnh viện, nâng tổng số trẻ bị sùi mào gà lên 74 trường hợp. Trong số 22 ca mới đến khám thì có 5 ca nặng phải điều trị bằng đốt laser, gây mê phải ở lại viện để điều trị.
Ngoài ra, có rất nhiều cha mẹ có con từng điều trị cắt bao quy đầu ở một số nơi khác, có tâm lý lo sợ con mình bị bệnh nên đã đưa trẻ tới tận bệnh viện để khám. Trước hiện tượng này, bệnh viện đã sắp xếp, bố trí một khu vực khám và điều trị riêng cho trẻ mắc sùi mào gà, giúp việc điều trị thuận lợi và tránh lây nhiễm.
PGS.TS Lê Hữu Doanh cũng khuyến cáo, đối với các gia đình có trẻ nhỏ bị mắc bệnh sùi mào gà, cần điều trị theo phác đồ của bác sĩ đưa ra, chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung đồ dùng và cần chăm sóc cách ly. Bởi lẽ thông thường, với trẻ mắc sùi mào gà, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị sạch tổn thương, theo dõi định kỳ, 2 tuần tái khám một lần. Có những trẻ điều trị một lần là có thể khỏi, nhưng cũng có trẻ phải 10-20 lần mới khỏi vì còn phụ thuộc vào tổn thương.