Từ phản ánh của Báo SGGP Online, đoàn kiểm tra gồm Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, Hạt Kiểm lâm huyện Tu Mơ Rông và UBND xã Đăk Na, tiến hành kiểm tra, xác định vị trí phá rừng ở tiểu khu 206, xã Đắk Na.
Kết quả, tại lô 35, khoảnh 8 và lô 46, khoảnh 9, Tiểu khu 206, chức năng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh phục hồi, phát hiện tại hiện trường có 7 gốc cây gỗ bị chặt hạ trái phép với số lượng 11 lóng, hộp có khối lượng đo đếm được là 8,371 m³, chủng loại kháo, sao Cát, dầu, dẻ trắng, thuộc các nhóm III đến nhóm VII. Vị trí rừng bị phá được giao quản lý bảo vệ cho 2 hộ gia đình gồm ông A Vã và A Dâng (xã Đắk Na).
Đoàn kiểm tra đã tìm kiếm mở rộng hiện trường khai thác trong vòng bán kính 300m nhưng không phát hiện gì thêm.
Trong suốt quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra không phát hiện có người tại hiện trường rừng bị khai thác gỗ; không có người đến nhận là chủ của số gỗ đã được kiểm tra, đo đếm và lập bảng kê.
Tuy nhiên, quá trình đi thực tế, số lượng gốc chặt cả cũ và mới mà chúng tôi ghi nhận có nhiều hơn 7 gốc mà đoàn chức năng nêu trong báo cáo. Cơ quan chức năng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kiểm tra.
Trước đó, như báo SGGP Online đã phản ánh, khi xâm nhập vào khu vực rừng già ở xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông thì phát hiện gỗ bị đốn hạ rất nhiều, lóng cắt khúc để ngổn ngang ở huyện trường.
Theo Chỉ thị 02 ngày 24-1-2019 của UBND tỉnh Kon Tum về việc chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh: “Địa phương nào để xảy ra vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng thì tùy theo tính chất, mức độ vụ việc, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thủ trưởng các đơn vị chủ rừng và các lực lượng chức năng liên quan chịu trách nhiệm chính trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với các vụ vi phạm lâm luật thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý, hoặc để xảy ra việc các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.