Vụ gần 600 loại sữa giả: Cơ quan chức năng của Hà Nội hậu kiểm như thế nào?

Ngày 18-4, liên quan vụ sản xuất, tiêu thụ gần 600 sản phẩm sữa bột giả của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (ở Hà Nội) vừa bị công an phát hiện, Sở Công Thương Hà Nội đã thông tin về một số vấn đề về công tác quản lý sản phẩm sữa.

Vụ gần 600 loại sữa giả: Cơ quan chức năng của Hà Nội hậu kiểm như thế nào?

Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ trước tới nay, đơn vị không tiếp nhận hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm sữa do Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất.

Thanh tra của Sở Công thương và lực lượng quản lý thị trường Hà Nội chưa thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 2 doanh nghiệp này từ năm 2021 đến nay.

Lý giải về việc này, Sở Công thương Hà Nội cho rằng, đây là các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của ngành y tế. Theo quy định, Sở Công thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm thực phẩm của 2 doanh nghiệp này.

Lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể kiểm tra các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, theo quy định, ngành y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng (bao gồm việc tiếp nhận tự công bố, xác nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo). Ngành công thương chịu trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường.

Trong khi đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, qua rà soát bước đầu, các sản phẩm sữa bột giả của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group cho thấy, trong số 573 loại sữa giả có 67 hồ sơ sản phẩm của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và 4 hồ sơ của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group được công bố tại Chi cục ATVSTP Hà Nội.

33.png
Công an kiểm tra kho sữa giả tại Hà Nội

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng ATVSTP Hà Nội, những loại sữa nói trên không phải là giả mạo nhãn mác, thương hiệu của sản phẩm khác mà là các chất dinh dưỡng có trong sữa chỉ dưới 70% so với chất đã công bố. Các sản phẩm được công bố tại Hà Nội chủ yếu là sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung, dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi.

Đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng cho biết, đối với 71 sản phẩm sữa của 2 doanh nghiệp trên, đơn vị đã lấy 4 mẫu của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma vào tháng 8-2023 và lấy 1 mẫu của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group vào tháng 9-2024, để đi kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm.

“Chi cục đã lấy mẫu một số sản phẩm của 2 công ty trên, dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, tức chỉ kiểm tra những chỉ tiêu ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, sau đó gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Các chỉ tiêu của sản phẩm đều đạt như hồ sơ”, ông Trung nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục