Công văn do Giám đốc Nguyễn Thanh Luận ký ban hành. Công văn có đoạn: "Chúng tôi chân thành cảm ơn Báo SGGP đã phản ánh để công ty khắc phục, sửa chữa kịp thời đảm bảo an toàn giao thông và an toàn công trình".
Theo ông Luận, qua việc này, chúng tôi sẽ nghiêm khắc rút kinh nghiệm để tránh lặp lại những sơ suất ở các công trình khác. Đây cũng là bài học cho đơn vị phải thường xuyên kiểm tra các công trình sau khi đưa vào khai thác sử dụng để sớm phát hiện sự cố và kịp thời xử lý, tránh tình trạng xảy ra như đối với công trình trên.
Theo đơn vị, cầu Khe Đèng tại Km465+091, sau khi công trình đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hết tính năng thoát nước, không còn gây ngập lụt, đảm bảo nhu cầu cho nhân dân đi lại thuận lợi, nhất là vào các đợt mưa lũ vừa qua. Tuy nhiên, trong quá trình thi công không tránh khỏi những sơ suất, khiếm khuyết.
Vào ngày 22-10, qua phản ánh của Báo SGGP, công ty đã cử cán bộ, kỹ sư đến hiện trường để xác minh, đã phát hiện vết nứt cục bộ trên mặt đường và tiến hành sửa chữa đúng kỹ thuật.
Trong khi đó, 2 công trình đường và cầu Khe Bẹ, Khe Mưng (do Công ty 909 Hà Nội) thi công nứt vỡ chằng chịt lại không có công nhân sửa chữa tại hiện trường. Sở GTVT tỉnh Quảng Bình cho biết, đã đốc thúc sửa ngay khi Báo SGGP phản ánh nhưng mới chỉ 1 đơn vị rốt ráo sửa chữa, còn Công ty 909 vẫn "bình chân như vại".
Ông Hoàng Đăng Cương, Giám đốc Sở GTVT cho biết, sở không dung túng cho các nhà thầu làm sai, làm ẩu, không nghiệm thu công trình kém kỹ thuật. Công ty 909 Hà Nội phải khắc phục các vết nứt đường nhựa Khe Bẹ, Khe Mưng tốt nhất mới được bàn giao.
Trước đó, 3 cống gồm cống Khe Bẹ, Khe Mưng (Công ty 909 Hà Nội thi công), Khe Đèng (Công ty xây dựng và sửa chữa đường bộ II Quảng Bình thi công) chuẩn bị bàn giao cho đơn vị vận hành thì bị nứt, khiến người dân lo ngại chất lượng không đảm bảo đối với công trình vượt lũ.