"Xé nhỏ" gói thầu
Dự án đường giao thông hồ Định Bình lên trung tâm xã Vĩnh Sơn thuộc dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) dài hơn 39,5km, được thực hiện bởi 3 nhà thầu chính. Trong đó, tại vị trí mặt đường mới làm đã hư hỏng, đào cắt thuộc phần việc của Công ty TNHH Xây dựng Thủy Dương thực hiện dài 4km.
>>>Clip ngắn về hiện trường sự việc:
Qua tìm hiểu, Công ty Thủy Dương là nhà thầu phụ tiếp nhận thi công đoạn đường thuộc gói thầu 17km do Công ty TNHH xây dựng Tấn Thành trúng thầu.
Trả lời PV Báo SGGP, một lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành thừa nhận, vị trí thi công xảy ra tình trạng cắt vá, đào bê tông lên thuộc gói thầu đơn vị này trúng thầu. Tuy nhiên, đơn vị trực tiếp thực hiện đoạn này là Công ty TNHH Thủy Dương (nhà thầu phụ).
“Chúng tôi đủ điều kiện, năng lực thực hiện dự án nên đứng ra đấu thầu. Sau đó, chủ đầu tư đưa thêm một nhà thầu phụ tham gia. Ở đây, chúng tôi không có hưởng quyền lợi gì hết”, lãnh đạo công ty này nói thêm.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, theo nguyên tắc Luật đấu thầu 2013, đơn vị nào trúng thầu thì đơn vị đó phải là nhà thầu chính thực hiện dự án. Trừ khi, chủ đầu tư dự án cho phép được mời nhà thầu phụ, căn cứ theo hợp đồng mời thầu. Nhưng nhà thầu phụ chỉ tham gia vào một số công việc không thay thế là nhiệm vụ chính của gói thầu…
Trách nhiệm thuộc về nhà thầu chính
Ngày 30-5, làm việc với các cơ quan báo chí, ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Bình Định (chủ đầu tư dự án) cho biết, vị trí đường hư hỏng phải cắt ra làm lại khoảng 2km, do nhà thầu phụ là Công ty Thủy Dương thực hiện.
Ông Thi nêu lại nguyên nhân: Do đoạn đường thi công quá hẹp, thời điểm mùa mưa năm 2023 nhà thầu đổ bê tông 1 làn đường, chừa 1 làn đường đất để các xe cộ lưu thông. Tuy nhiên, do đường hẹp kèm theo mưa, hệ thống thoát nước bị tắc. Lúc này, các xe tải nặng di chuyển liên tục thường đè lên đường bê tông mới đổ khiến các mép, góc đường bị gãy vỡ hư hỏng...
Về phương án khắc phục, ông Thi nói: "Nhà thầu dùng máy cắt từng mảng đường, sau đó đục lên, hốt dọn bê tông cũ và xử lý kỹ thuật để thảm lại bê tông mới”. Theo ông Thi, đơn vị đã có báo cáo UBND tỉnh toàn bộ sự việc, giải pháp khắc phục. Mọi chi phí khắc phục do nhà thầu chịu, do công trình đang trong thời gian bảo trì.
Việc nhà thầu chính trúng thầu, chuyển lại cho nhà thầu phụ thực hiện, thi công toàn bộ đoạn đường, ông Thi cho biết: “Nhà thầu phụ tham gia là từ đề xuất của nhà thầu chính, sau đó chủ đầu tư đã xem xét để đảm bảo theo tiến độ, phạm vi quy định hồ sơ dự án thì mới đồng ý. Tuy nhiên, về pháp lý và chất lượng gói thầu thì nhà thầu chính vẫn phải chịu trách nhiệm”.
Phía nhà thầu chính cho rằng sự tham gia nhà thầu phụ là xuất phát từ chủ đầu tư, ông Thi khẳng định: “Có 2 hình thức cho nhà thầu phụ tham gia, thông qua chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính. Ở đây do nhà thầu chính tự hợp đồng với nhà thầu phụ, vì vậy Công ty Tấn Thành trực tiếp quản lý, giám sát. Chủ đầu tư chỉ giám sát và làm việc với nhà thầu chính”.
Ông Thi thông tin thêm, ở đây Công ty Thủy Dương được nhà thầu chính là Công ty Tấn Thành hợp đồng thực hiện một số hạng mục, phần việc nhưng dưới kiểm soát của nhà thầu chính. “Theo hồ sơ mời thầu dự án, hạn mức gói thầu cho phép nhà thầu phụ tham gia 25% gói thầu”, ông Thi nói thêm.
Nhà thầu phải bảo hành dự án 3 năm
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đang rất quan tâm và ưu tiên đưa chất lượng các công trình lên hàng đầu. Đối với dự án, UBND tỉnh yêu cầu nhà thầu phải bảo hành tối thiểu 3 năm không điều kiện.
“Việc quản lý, đánh giá các nhà thầu, hàng năm các ban quản lý dự án sẽ thực hiện chấm điểm cụ thể. Cuối năm tỉnh sẽ đánh giá điểm để khen thưởng, xử phạt các nhà thầu. Nếu nhà thầu vi phạm có thể bị cấm tham gia các dự án trên địa bàn từ 1 đến 3 năm”, ông Tuấn cho biết.