Lên rừng tìm gỗ vi phạm
Theo Đội Kiểm lâm Cơ động số 2, vào ngày 16-12, ngành chức năng nhận được tin báo có vụ tập kết gỗ nên kiểm tra, đến hôm sau thì bắt được vụ tập kết gỗ dưới chân núi Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) với khối lượng 7,6m3 (nhóm V và nhóm VI).
Tại hiện trường không có chủ gỗ. Cơ quan chức năng nhận định số gỗ nói trên được khai thác từ rừng giáp ranh 2 huyện Chư Pah và Đắk Đoa rồi kéo về đây cất dấu.
Sau vụ việc tạm giữ gỗ lậu, đơn vị cùng các ngành chức năng như Đoàn liên ngành số 1 (lực lượng bao gồm kiểm lâm, công an, quản lý thị trường), Hạt Kiểm lâm Đắk Đoa và Hạt Kiểm lâm Chư Pah tiến hành mở rộng tìm kiếm, truy quét tại vị trí rừng giáp ranh Chư Pah, Đắk Đoa với mục đích tìm phương tiện khai thác, người, gỗ và gốc chặt cũng như xác định chủ rừng.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Đội trưởng Kiểm lâm Cơ động số 2, cho biết, đến ngày 21-12, vẫn chưa xác định được 7,6m3 gỗ đã bắt giữ dưới chân núi Chư Đăng Ya được khai thác ở chỗ nào.
"Riêng quá trình mở rộng tìm kiếm, đoàn có phát hiện vụ phá rừng ở xã Đắk Tờ Ver (huyện Chư Pah), xác định thuộc quản lý của Ban quản lý dự án 661 thuộc tỉnh đội. Tuy nhiên, do đoàn đang làm nên chưa thể cung cấp số lượng cụ thể", ông Huân thông tin.
Cũng theo ông Huân, hiện chưa thể khẳng định vị trí đoàn đi kiểm tra mở rộng và phát hiện vụ phá rừng nói trên có trùng với vị trí như báo phản ánh trước đó hay không.
Mất rừng, ai chịu trách nhiệm?
Nói về thời điểm rừng bị phá, ông Nay Vân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah, nhận định, chắc sau lễ hội hoa dã quỳ (diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3-12) thì lâm tặc lên rừng làm lại.
“Nếu để xảy ra mất rừng thì lãnh đạo hạt kiểm lâm cũng có trách nhiệm vì không kịp thời ngăn chặn”, ông Nay Vân nói.
Trong khi đó, ông Chu Văn Tuấn, Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động số 2, cho biết: “Mất rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm đầu tiên”.
Được biết, vào tháng 4-2017, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ UBND tỉnh đã ký văn bản 1530, gửi các đơn vị chủ rừng, UBND huyện, thị xã và thành phố cùng các sở, ban ngành thuộc tỉnh, trong đó nêu rõ: Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên lâm phần được giao; chính quyền nơi nào để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác, lấn chiếm rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật, thuộc phạm vi, quyền hạn của mình mà không xử lý kịp thời thì chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Trước đó, như Báo SGGP đã phản ánh, lâm tặc thông qua con đường xuyên núi rồi vào các cánh rừng trên địa bàn huyện Chư Pah khai thác gỗ.
Gỗ bị đốn hạ khắp nơi và được cất dấu trong lùm cỏ, bụi tre. Theo thiết bị định vị của điện thoại, rừng bị phá nằm ở 2 xã Chư Đăng Ya và Đắk Tờ Ver.
Một người dẫn đường tiết lộ, có con đường rừng xuyên lên Kon Tum. Càng lên sâu thì gỗ khai thác càng nhiều nhưng khó đi vì đường dốc, lại có lực lượng cảnh giới.