Xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương ở Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2020. Theo ông Võ Tá Kỷ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, khó khăn nhất là lũ lụt đã làm gần như 100% lúa của bà con bị hư hỏng, khiến tình trạng thiếu lúa giống phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Địa phương đã báo cáo đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ khoảng 36 tấn lúa giống để gieo 450ha lúa, hỗ trợ giống lạc (đậu phộng) gieo tỉa khoảng 33ha diện tích…
Ông Trần Bá Thái (thôn Hòa Bình, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang hì hục kéo từng vạt cây bèo tây để giải phóng mặt bằng ruộng lúa. Mưa lũ rồi rét đậm rét hại kéo dài khiến bèo tây từ trên khu vực sông Rào Cái trôi dạt về phủ kín đồng ruộng. Mọi người trong thôn dùng các vật dụng kéo, đẩy bèo trôi theo dòng nước nhưng đều bất lực.
Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Phú (xã Quảng An, huyện Quảng Điền), cho biết, HTX có 100ha thấp trũng phải trồng lúa dài ngày. So với khung lịch thời vụ thì đã trễ gần 1 tuần nhưng chưa thể xuống giống vì đồng ruộng ngập sâu. Trong khi, hơn 1km tuyến đê nông đồng bị vỡ, tràn; 2ha ruộng bồi lấp, từ sau mưa lũ đến nay mới chỉ khắc phục được khoảng 500m, đoạn tuyến còn lại do nước còn ngập nên chưa thể tiến hành gia cố, khơi thông đồng ruộng được. Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, lo lắng, đã đến thời vụ gieo trồng nhưng do nhiều diện tích đang ngập nên nông dân chưa thể tiêu úng, làm đất và chưa tiến hành tu sửa kênh mương. Hiện có gần 300ha ruộng đang bị bèo, phù sa bồi lấp ở Quảng Điền và A Lưới đang tích cực khắc phục nhưng chưa hoàn thành.
Cùng với hơn 745km kênh mương nội đồng và hàng ngàn công trình thủy lợi bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, một trong những khó khăn nhất sau mùa mưa bão năm 2020 là đất trồng lúa tại khu vực Bắc miền Trung bị vùi lấp gần 3.000ha, trong đó, Quảng Trị là địa phương bị vùi lấp nhiều nhất với tổng diện tích khoảng 1.704ha.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương đang dốc sức cải tạo đất vùi lấp. Trong đó, những vùng đất trồng lúa nước bị vùi lấp bởi lớp mặt chủ yếu là cát mịn thì đang phân loại để tiếp tục trồng lúa hoặc chuyển sang cây trồng cạn. Trường hợp lớp cát vùi lấp có độ sâu dưới 20cm, tiến hành cày vùi cát, san phẳng sau đó tiếp tục cày, bừa kỹ đất để trồng lúa nước. Trường hợp lớp cát vùi lấp có độ sâu 20-50cm, địa hình trũng, không thể chuyển sang trồng cây trồng cạn thì sẽ cải tạo để tiếp tục trồng lúa nước.
Cùng với việc phân bổ 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau mà Bộ NN-PTNT cấp cho người dân khôi phục sản xuất sau bão lũ, ngành nông nghiệp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế còn đề nghị Chính phủ hỗ trợ lúa giống với 2.000 tấn mỗi tỉnh, cùng hơn 400 tấn hạt giống ngô và rau để khôi phục sản xuất, cũng như phục vụ cho vụ đông xuân 2020-2021.