Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm nay nhiều khả năng mùa mưa kết thúc sớm, tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường. Vì vậy, để đảm bảo cho vụ đông xuân thắng lợi, cần triển khai nhanh các giải pháp ứng phó…
Giảm diện tích nhưng tăng sản lượng lúa
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2018, tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa ở khu vực ĐBSCL đạt được những kết quả khích lệ. Nhiều địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, giảm đất lúa nhưng sản lượng lúa vẫn tăng. Cụ thể, vụ đông xuân 2017 - 2018, các tỉnh ĐBSCL sản xuất hơn 1,57 triệu hécta, giảm 5.886ha, năng suất lúa hơn 68,8 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, tăng 967.000 tấn so vụ đông xuân trước. Vụ hè thu 2018, sản xuất hơn 1,6 triệu hécta, giảm 6.725ha, sản lượng lúa đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Vụ thu đông 2018, dù nước lũ về sớm nhưng gieo sạ được 704.853ha, giảm 60.599ha, năng suất đạt gần 54 tạ/ha, tăng 2,02 tạ/ha, sản lượng lúa hơn 3,8 triệu tấn…
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam, đánh giá thời gian qua, các địa phương tăng cường ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng giá trị. Nông dân ĐBSCL thực hiện khá tốt việc giảm khối lượng giống gieo sạ từ hơn 150kg/ha xuống khoảng 100kg/ha. Bên cạnh đó, nhiều nơi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa như: san phẳng đồng ruộng, sạ hàng, cấy bằng máy… giúp việc giảm lượng giống được tốt hơn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tháng 9-2018, cả nước xuất khẩu được 4,45 triệu tấn gạo, kim ngạch khoảng 2,49 tỷ USD, tăng 8% về khối lượng và tăng 23% về giá trị, so cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 504,4 USD/tấn, tăng 14,6%. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 22,4%; kế đến là Indonesia 17%; Philippines đứng thứ 3 chiếm 13,5%…
Cũng trong năm 2018, nông dân ĐBSCL đã chuyển khoảng 62.233ha đất lúa ở những nơi kém hiệu quả, sang trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản… mang lại giá trị khá cao. Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, nông dân khi chuyển đất lúa sang trồng bắp trắng cho thu nhập khoảng 136 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lời 77 triệu đồng/ha; trồng khoai cao thu nhập 130 triệu đồng/ha, lời 59 triệu đồng/ha; trồng dưa leo thu nhập 115 triệu đồng/ha, lời 84 triệu đồng/ha; trồng sen thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha, lời 40 triệu đồng/ha. Tại Tiền Giang, nông dân chuyển đổi đất lúa để trồng rau màu cho lợi nhuận cao hơn lúa từ 15 - 23 triệu đồng/ha…
Đề phòng thiên tai, dịch bệnh…
Có thể nói, từ hiệu quả của sản xuất lúa năm 2018 đã tạo đà thuận lợi cho nông dân ĐBSCL bước vào vụ đông xuân mới 2018 - 2019. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân tới là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng chất lượng, giá trị và bền vững; sản xuất lúa gạo phải đáp ứng tốt nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; đồng thời áp dụng kỹ thuật để giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân; chú ý việc xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị gắn kết giữa nông dân với HTX và doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu gạo.
Kế hoạch vụ đông xuân 2018 - 2019, các tỉnh ĐBSCL sản xuất khoảng 1,57 triệu hécta lúa, giảm 400ha, năng suất ước 69,27 tạ/ha, sản lượng gần 10,9 triệu tấn lúa, tăng 60.000 tấn… Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, lưu ý: “Theo nhận định của ngành chuyên môn, hiện tượng ENSO được dự báo duy trì trạng thái tới tháng 10-2018, từ tháng 11 có xu hướng chuyển dần sang trạng thái El Nino với xác suất khoảng 60% - 70%. Lượng mưa ở Nam bộ từ tháng 10-2018 đến tháng 2-2019 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 15% - 30%; năm 2018 khả năng kết thúc mùa mưa sớm. Từ cuối tháng 12-2018 đến tháng 1-2019, nước mặn có khả năng vượt quá 4g/l xâm nhập vào vùng cách biển từ 10-20km ở ĐBSCL. Sang tháng 2, 3 và 4-2019, ở vùng cách biển từ 30-40km có khả năng bị mặn xâm nhập khoảng 4g/l… Như vậy, các khu vực cửa sông Cửu Long cách biển từ 15-25km vẫn có khả năng khó khăn về nước tưới; vùng ven biển Tây ở Cà Mau và Kiên Giang có nguy cơ thiếu nước ngọt từ cuối tháng 11-2018; ở TP Vị Thanh (Hậu Giang) có khả năng xâm mặn với nồng độ 1-3g/l vào tháng 4, 5-2019…”.
Cục Trồng trọt nhận định, nếu khô hạn đến sớm thì có khoảng 100.000ha lúa đông xuân thuộc các ven biển của Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang bị ảnh hưởng mặn. Ngành chức năng và nông dân cần đề phòng nước mặn gây khó cho lúa trong giai đoạn trổ bông, chín và nguy cơ thất thu; mặn cũng tác động đến hệ thống lúa - tôm; đồng thời về lâu dài làm cho đất trồng lúa bị nhiễm mặn khó cải tạo… Phía Cục Bảo vệ thực vật cũng cảnh báo, cần đề phòng rầy nâu di trú, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành, đạo ôn… là những đối tượng dễ phát sinh gây hại cho lúa đông xuân tới.
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh ĐBSCL cần tuân thủ tốt lịch thời vụ. Theo kế hoạch, trong tháng 10-2018, sẽ áp dụng xuống giống sớm khoảng 420.000ha tại những nơi có đê bao ở ĐBSCL; tháng 11 và 12, xuống giống tập trung, đồng loạt khoảng 1,05 triệu hécta; riêng vùng thu hoạch lúa thu đông muộn sang tháng 1-2019 xuống giống dứt điểm khoảng 100.000ha. Bộ NN-PTNT khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL tập trung cho giống lúa thơm, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, với hơn 70% diện tích nhằm phục vụ xuất khẩu; nhóm lúa trung bình chỉ nên duy trì khoảng 15%...