Ông Hoàng cho rằng, việc nợ tiền điện của Điện lực Liên Chiểu là nhà đầu tư phải thu xếp để chi trả. Còn đóng cửa hầm không phải làm một cách đơn giản mà phải theo quy định.
Cũng theo ông Hoàng, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là doanh nghiệp lớn, đầu tư nhiều dự án, trong đó có dự án hầm Đèo Cả với mức đầu tư 11.000 tỷ đồng nên việc chi vài tỷ đồng tiền điện không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, do là công ty cổ phần nên việc chi phí phải hỏi ý kiến cổ đông, hội đồng quản trị.
“Ông Lưu Xuân Thủy là người điều hành, khi thấy nguồn tiền sử dụng liên tục cho các chi phí tiền điện, tiền vận hành…, nhưng không có nguồn thu nên lo lắng là đúng. Tuy nhiên, tôi - với cương vị là người chủ công ty - thì bất kỳ giá nào cũng phải dùng nguồn vốn của tổ chức, của nhà đầu tư để chi trả. Và công ty phải báo cáo với cổ đông, hội đồng quản trị chuẩn bị nguồn vốn để làm sao duy trì, đảm bảo cho hoạt động của hệ thống hầm chứ không thể vì thiếu tiền điện mà “dọa” ngừng hoạt động hầm Hải Vân. Chỉ có Bộ GTVT là người đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm việc này. Mà muốn làm cũng phải báo cáo lên Thủ tướng. Nên không có chuyện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tự ý ngừng hoạt động hầm Hải Vân”, ông Hoàng nói.