Theo BBC, trong các phiên giao dịch ngày 14-11, so với đỉnh được xác lập hồi tháng 10, giá dầu thô Mỹ đã giảm từ 70,18 USD xuống còn 55,65 USD. Giá dầu cũng vừa xác lập kỷ lục sụt giảm kéo dài nhất sau 15 phiên tụt giá liên tiếp, thổi bay mọi thành quả của năm 2018. Chuỗi 15 ngày sụt giảm là điều chưa từng xảy ra với dầu mỏ Mỹ kể từ giữa năm 1984 đến nay. Loạt điều kiện bất lợi dẫn đến tâm lý bán tháo, khiến giá dầu tiếp tục giảm chưa có hồi kết.
Những gì đang xảy ra với dầu thô ở thời điểm hiện tại trái ngược hoàn toàn với hồi tháng trước, giá dầu thô tăng chóng mặt, chạm mức cao nhất trong 4 năm, khi thị trường lo ngại việc Mỹ cấm vận dầu mỏ Iran sẽ khiến thiếu hụt nguồn cung.
Iran là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, vào hạn chót, Tổng thống Donald Trump quyết định miễn trừ cho 8 quốc gia mua dầu của Iran sẽ không phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khiến mối lo ngại về sụt giảm nguồn cung được giải tỏa. Cùng với đó, 3 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới là Mỹ, Nga và Saudi Arabia đều gia tăng sản lượng tới gần mức kỷ lục. Dữ liệu sơ bộ cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đã đạt mức kỷ lục 11,6 triệu thùng/ngày.
OPEC cũng thông báo tiếp tục cắt giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2019. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp, tổ chức này cắt giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới.
Theo đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới ở mức 1,29 triệu thùng/ngày trong năm 2019, giảm 70.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra vào tháng 10. Hiện tổng sản lượng dầu mỏ của OPEC tăng lên 32,9 triệu thùng/ngày. Trong đó, riêng Saudi Arabia tăng sản lượng của mình lên 10,6 triệu thùng/ngày trong tháng 10.
Trả lời phỏng vấn hãng CNBN, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định thị trường dầu mỏ đang rất biến động và có thể sẽ nhiều hơn trong thời gian tới. Phát biểu tại cuộc họp của các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới vừa diễn ra tại Abu Dhabi, ông Novak cảnh báo: “OPEC và các nhà xuất khẩu dầu ngoài OPEC cần kiên định với một thông điệp nhất quán, tránh làm trầm trọng thêm những biến động trên thị trường”.
Theo ông Novak, thời điểm hiện tại, OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác không nên đưa ra những quyết định quá vội vàng: “Chúng ta cần xem xét tình hình một cách cẩn thận để dự đoán trước những diễn biến, tránh việc thay đổi chính sách 180 độ mỗi tháng”. Tuyên bố của ông Novak được đưa ra trong bối cảnh các nhà xuất khẩu dầu cho biết họ có thể cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh mẽ.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih nhấn mạnh, OPEC và các nước ngoài OPEC sẽ quyết định về việc có giảm sản lượng hay không trong vài tuần tới. Cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) vào ngày 6-12. Đây cũng là thời điểm để các nước biểu quyết và đưa ra quyết định cuối cùng.
Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất Suhail Al Mazrouei thì cho rằng cần thay đổi chiến lược để đảm bảo mục tiêu duy trì sự cân bằng của thị trường. Hiện có khoảng 20 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới bắt đầu giới hạn sản lượng khai thác và xuất khẩu nhằm tiêu thụ hết lượng dầu thô dự trữ khổng lồ trên toàn cầu.