Sau khi Báo SGGP ngày 14-5 đăng bài “Di tích Lũy Thầy bị xâm hại nghiêm trọng”, ngày 17-5, thay mặt những người đứng đơn kêu cứu, ông Lại Tấn Thánh xúc động bày tỏ: “Thay mặt người dân xã Lương Ninh, nhóm tâm huyết với di tích Lũy Thầy đoạn qua quê hương chúng tôi, xin cảm ơn Báo SGGP đã lên tiếng kịp thời để cơ quan chức năng vào cuộc. Chúng tôi tin chính quyền địa phương sẽ giải quyết rốt ráo, trả lại môi trường sông Lũy Thầy tốt, bền vững, nguồn nước đầu nguồn không còn bị ô nhiễm, đê Lũy Thầy được trả lại nguyên trạng”.
Trước đó, ngày 16-5, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PT-NT tỉnh Quảng Bình, cho biết, năm 2020 ông đã ký văn bản số 2092/KL-SNN về kết luận thanh tra, quản lý đê điều, trong đó có đề cập đến hộ ông Nguyễn Văn Dương được UBND huyện Quảng Ninh cho thuê 4.000m² đất bãi bồi dưới chân đê Lũy Thầy. Trong kết luận này chỉ rõ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Dương được cấp cách chân đê 20m, phục vụ nuôi trồng thủy sản, không được phép xâm lấn đê Lũy Thầy.
Tuy nhiên, trên thực tế ông Dương đã thuê chở hàng ngàn khối đất đá xà bần đắp hàng trăm mét đê mới, vây chiếm lòng sông Lũy Thầy, chiếm dụng mặt đê Lũy Thầy chăn nuôi lợn, trâu và hàng chục ngàn con vịt, xả thải ra môi trường tự nhiên không qua hệ thống xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh, thông tin, địa phương gia hạn đến ngày 30-5-2022 ông Dương phải tháo dỡ chuồng trại xây dựng trái phép, tháo dỡ công trình xây dựng dưới gầm cầu Lũy Thầy, tháo dỡ các con đê lấn hơn 2/3 sông Lũy. Quá thời hạn, ông Dương không thực hiện thì chính quyền sẽ xử lý hành chính, sau đó cưỡng chế theo quy định.