Trong khi đó, đại diện truyền thông của Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, giá vé dịch vụ tại trạm BOT Bắc Hải Vân sẽ không điều chỉnh trong suốt thời gian sửa chữa hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia.
Ths - Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế căn cứ vào các thông tư, quy định pháp luật về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã có phân tích, nhìn nhận một cách khách quan về vấn đề này.
Theo Ths - Luật sư Võ Công Hạnh, việc thu phí ở Trạm BOT Bắc Hải Vân đang thực hiện thu tích hợp của 3 ba hầm đường bộ trên QL1A là Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân. Vì vậy, khi các phương tiện không được di chuyển qua một trong 3 hầm trên mà vẫn phải đóng mức phí của cả 3 hầm thì điều này là hoàn toàn không hợp lý.
Bởi lẽ, thứ nhất, trường hợp nhà đầu tư - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đang thực hiện bảo trì do vi phạm chất lượng bảo trì công trình khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản nhắc nhở 2 lần kèm theo thời gian khắc phục. Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 9 Thông tư 15/2020/TT-BGTVT về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thì trường hợp này Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (chủ đầu tư- PV) phải dừng thu phí và thời gian tạm dừng thu được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả khắc phục xong, nhưng không ít hơn 1 ngày.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, Trạm BOT Bắc Hầm Hải Vân là thu chung của 3 hầm đường bộ, do đó khi 1 trong 3 hầm đang vận hành thì việc thu phí vẫn diễn ra bình thường nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người sử dụng (chủ phương tiện) bằng việc giảm phí thu tương ứng với số lượng hầm mà các phương tiện không được di chuyển qua, như vậy mới phù hợp với quy định của pháp luật về việc thu phí sử dụng đường bộ nêu trên.
Thứ hai, trường hợp Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đang thực hiện bảo trì không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 Thông tư 15/2020/TT-BGTVT thì có thể vận dụng pháp luật dân sự như sau: Việc đi qua đường hầm phải trả tiền được hiểu là một giao dịch dân sự. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự 2015: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy, để làm phát sinh thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các Bên thì Bên cung cấp dịch vụ là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả có trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm đường hầm chất lượng phù hợp quy định để các phương tiện di chuyển và Bên sử dụng dịch vụ là các chủ phương tiện có trách nhiệm trả phí qua hầm theo quy định.
Tuy nhiên, trong trường hợp này các bên chưa có thỏa thuận nào khác và Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả không cung cấp dịch vụ (cho xe di chuyển qua đường hầm đang sửa chữa); các chủ phương tiện cũng chưa sử dụng dịch vụ (đi qua đường hầm), do đó không làm phát sinh nghĩa vụ trả tiền của các chủ phương tiện theo quy định tại điều 274, 275 và 280 Bộ luật Dân sự 2015.
Từ cơ sở trên cho thấy, việc các chủ phương tiện không di chuyển qua tuyến đường hầm mà Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả vẫn thu tiền là không phù hợp với quy định về tạm dừng thu phí cũng như quy định của pháp luật dân sự. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, cần phải sớm đưa ra kiến nghị đến Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sớm có phương án giải quyết phù hợp, tránh để tiếp tục ảnh đến hưởng quyền lợi của các bên.