Sáng 26-11, tại trụ sở Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Định, Tòa án Cấp cao Đà Nẵng đã mở phiên xét xử phúc thẩm lần thứ 4 trong vụ án cựu Trưởng phòng Thanh tra thuế - Cục Thuế tỉnh Bình Định Hồ Minh Khiêm (54 tuổi, ngụ tại TP Quy Nhơn) “nhận hối lộ”.
Tại tòa phúc thẩm lần này, tiếp tục vắng mặt 10 điều tra viên, 2 người thuộc Công an phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) và 1 đại kiểm sát viên VKSND tỉnh Bình Định, mà trước đó Tòa án Cấp cao đã triệu tập bổ sung để phục vụ quá trình xét xử vụ án.
Theo tòa phúc thẩm, căn cứ theo kháng cáo của bị cáo Hồ Minh Khiêm tại bản án sơ thẩm ngày 3-8-2019 của TAND tỉnh Bình Định, qua các phiên xét xử phúc thẩm, căn cứ vào lời khai của bị cáo, người liên quan, người làm chứng… tòa phúc thẩm nhận thấy, các cơ quan tố tụng, thụ lý và giải quyết vụ án đã để xảy ra rất nhiều lỗi, thiếu sót…
Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 1-10-2017, tại quán cà phê H.Q. (TP Quy Nhơn), tổ công tác Phòng Cảnh sát Kinh tế, thuộc Công an tỉnh Bình Định bắt quả tang ông Khiêm do có hành vi nhận 2 bịch nhựa bên trong chứa 130 triệu đồng của ông Đỗ Nguyễn Duy Minh (đại diện Công ty CP xây dựng An Nghĩa, trụ sở tại 107 đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Quy Nhơn).
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-9-2019, lời khai của người có quyền lợi liên quan là ông Đỗ Nguyễn Duy Minh, bị cáo Hồ Minh Khiêm đều khẳng định, ngay sau khi ông Minh đưa cho Khiêm 2 bịch ni lông thì bị tổ công tác Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Bình Định ập vào bắt giữ.
Tuy nhiên, tổ công tác chỉ chụp hình 2 bịch ni lông rồi dẫn giải ông Khiêm vào xe ô tô, chở về trụ sở Công an tỉnh Bình Định để lấy lời khai. Ông Khiêm và ông Minh đều không biết ai là người quản lý, giám sát, đưa 2 bọc ni lông (vật chứng bắt quả tang) về trụ sở Công an tỉnh Bình Định.
Đối với việc thu giữ vật chứng (tiền hối lộ 130 triệu), căn cứ vào các lời khai khi bắt giữ, tổ công tác cảnh sát không lập biên bản niêm phong vật chứng mà chỉ chụp hình 2 bọc ni lông. Tòa phúc thẩm nhận định, đây là bằng chứng rất quan trọng, nhưng tổ công tác không lập biên bản niêm phong ngay tại hiện trường, mà chỉ chụp hình 2 bọc ni lông là chưa có cơ sở vững chắc để xác định giá trị tiền tại nơi bắt quả tang và khi đưa vật chứng về trụ sở công an.
Dựa lời khai của ông Minh tại tòa phúc thẩm, biên bản ghi nhận sự việc vòi vĩnh và nhận hối lộ không được lập tại địa điểm phát hiện phạm tội quả tang, nhưng theo hồ sơ vụ án lại ghi lập tại thời điểm bắt giữ phạm tội là không phản ánh đúng sự việc của vụ án.
Theo một người dân tại thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) – người chứng kiến vụ việc cho biết, khoảng 13 giờ 30 ngày 1-10-2017, khi ông này uống cà phê tại H.Q. thì thấy một người mập cao to mặc áo trắng (tức ông Minh) đi từ ngoài vào ngồi xuống bàn rồi điện thoại liên tục. 5 phút sau, lại thêm 1 ông nhỏ con mắc áo sẫm màu (bị cáo Khiêm) đến ngồi cùng bàn.
Người dân này sau đó thấy, người mập (ông Minh) bỏ 1 túi đen vào túi xách của người gầy (ông Khiêm), chưa đầy 1 phút sau công an ập tới bắt quả tang. Lúc này, ông Minh lấy trong túi xách 2 bịch (1 màu đen, 1 màu nâu) bỏ lên bàn. Tại thời điểm này, ông này không thấy sự có mặt của 2 người làm chứng là ông Bùi Đăng Khoa và bà Lê Hà Thu Đông (2 người đã ký làm chứng trong biên bản bắt người phạm tội quả tang)…
Còn nữa, trong biên bản bắt người phạm tội quả tang, ông Bùi Đăng Khoa có chữ ký với vai trò là người chứng kiến nhưng tại phần ghi xác nhận thì ghi là người làm chứng, nên không đủ cơ sở xác định ông Khoa là người chứng kiến tổ công tác bắt giữ người phạm tội quả tang.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19-9-2019, ông Khoa khẳng định, chiều 1-10-2017, ông không có mặt tại cà phê H.Q. nên không chứng kiến tổ công tác bắt quả tang Hồ Minh Khiêm. Đến 16 giờ, ngày 1-10-2017, ông Khoa ra vỉa hè hút thuốc thì một cán bộ công an kêu ông này sang trụ sở công an để nhờ giúp một việc.
Khi đến, ông khoa thấy các cán bộ công an đang đếm tiền rồi đưa biên bản bảo ông Khoa ký họ tên vào, ông Khoa dù thắc mắc nhưng sau đó đã ký vào để ra về còn nội dung thế nào không hay biết. Đến tối cùng ngày, một cán bộ công an lại tiếp tục đưa văn bản đến nhà bảo ông ký lại và ông này tiếp tục ký và cũng không đọc rõ nội dung.
Ngoài ra, theo tòa phúc thẩm, trong biên bản bắt quả tang thể hiện có mặt 6 cán bộ phòng CSKT Công an tỉnh Bình Định, có mặt Trưởng Công an phường Lê Hồng Phong và một Cảnh sát khu vực; có mặt người đưa và người nhận hối lộ là ông Khiêm và ông Minh; có mặt người làm chứng là chị Lê Hà Phương Đông và ông Bùi Đăng Khoa (đều ở TP Quy Nhơn).
Tuy nhiên, ở phần ký xác nhận chỉ có chữ ký của người lập biên bản là ông Đỗ Đức Phương, cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Bình Định. Việc này, tòa phúc thẩm nhận định, chưa đảm bảo về mặt thủ tục và chưa đủ cơ sở xác định tất cả những người còn lại có tham gia bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật.
Chưa hết, biên bản bắt người phạm tội quả tang được lập 14 giờ 30 phút ngày, địa điểm cà phê H.Q., biên bản được lập ngay sau khi bắt quả tang ông Khiêm, nhưng trong văn bản này lại đánh máy tính, in ra từ máy in nên làm cho người bị bắt là ông Hồ Minh Khiêm nghi ngờ cơ quan công an và ông Đỗ Nguyễn Duy Minh đã có sự chuẩn bị trước.
Trong vụ án này, mặc dù ông Minh có đơn tố cáo vào ngày 28-9-2017 đến ngày 29-9-2017 đơn này được bàn giao cho Công an tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, khi Công an tỉnh chưa có biện pháp kiểm tra, xác minh đơn tố cáo để kịp thời ngăn chặn thì ông Minh đã đưa tiền cho ông khiêm rồi bị bắt quả tang. Nên trong trường hợp này, ông Minh không thuộc diện chủ động khai báo trước khi bị phát giác.
Vì vậy, để xử lý vụ án đúng quy định pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, tòa phúc thẩm đề nghị, cần xem xét trách nhiệm hình sự của ông Minh về hành vi đưa tiền hối lộ và xem xét trách nhiệm đồng phạm của một số người liên quan tại công ty ông Minh.
Trên cơ sở đó, Tòa án Cấp cao Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ bản án tòa sơ thẩm ngày 3-8-2018 của TAND tỉnh Bình Định; chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Bình Định để điều tra bổ sung, bản án phúc thẩm có hiệu lực từ ngày 26-11-2019.