Vụ cụm công nghiệp giấy Lee & Man: Làm sao giữ trong lành dòng Hậu Giang?

Thông tin Bộ Công thương đề xuất với Chính phủ không cho phép tiếp tục triển khai dự án nhà máy sản xuất bột giấy của Công ty TNHH Lee & Man (Hậu Giang) do không đáp ứng được các điều kiện về môi trường đã làm người dân sống ven sông Hậu nức lòng. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn đó khi cụm công nghiệp này đi vào hoạt động trong lúc dòng Hậu Giang đang oằn mình gánh chịu hàng chục dự án ngày đêm xả thải xuống dòng sông.
Vụ cụm công nghiệp giấy Lee & Man: Làm sao giữ trong lành dòng Hậu Giang?

Thông tin Bộ Công thương đề xuất với Chính phủ không cho phép tiếp tục triển khai dự án nhà máy sản xuất bột giấy của Công ty TNHH Lee & Man (Hậu Giang) do không đáp ứng được các điều kiện về môi trường đã làm người dân sống ven sông Hậu nức lòng. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn đó khi cụm công nghiệp này đi vào hoạt động trong lúc dòng Hậu Giang đang oằn mình gánh chịu hàng chục dự án ngày đêm xả thải xuống dòng sông.

Bớt một nỗi lo

Ngày 25-7, khi được hỏi về thông tin dừng dự án nhà máy sản xuất bột giấy của Cụm công nghiệp Lee & Man, ông Nguyễn Văn Ngày (ấp Phú Xuân, Thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Nếu dừng dự án đó, bà con ở đây chắc mừng lắm, vì chúng tôi vô cùng băn khoăn, lo sợ bởi nguồn nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của bà con”. Con rạch Mái Dầm trước cửa nhà ông nối liền với dòng sông Hậu. Từ bao đời nay người dân ở khu vực này lấy nước từ con rạch để sinh hoạt, sản xuất. Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân ở thị trấn Mái Dầm có thêm nguồn thu nhập khá cao từ việc phát triển mô hình nuôi cá bè. Riêng ông Ngày cũng có một bè cá, mỗi đợt thả nuôi hơn 20.000 con cá điêu hồng. Mà đâu chỉ có thị trấn Mái Dầm, cả lưu vực sông Hậu sẽ bị tác động rất lớn nếu tổ hợp công nghiệp này đi vào hoạt động.

Dự án Cụm công nghiệp Giấy Lee & Man bao gồm hai nhà máy sản xuất giấy bao bì và nhà máy bột giấy tẩy trắng (có công suất lần lượt là 420.000 tấn giấy/năm và 330.000 tấn/năm), một nhà máy nhiệt điện đốt than và các phế phẩm của nhà máy giấy có công suất phát điện 125MW, một nhà máy nước có công suất thiết kế 181.000m³/ngày. Tổng diện tích nhà máy là hơn 100ha. Với công suất sản xuất giấy như vậy, Nhà máy Giấy Lee & Man sẽ lớn hơn 13,6 lần so với nhà máy giấy lớn nhất Việt Nam hiện nay là Nhà máy giấy Bãi Bằng (do Thụy Điển viện trợ xây dựng) có công suất thiết kế là 55.000 tấn/năm. Trong cụm công nghiệp, sản xuất bột giấy là dự án lớn, chiếm hơn nửa diện tích và dự kiến sẽ xả khoảng 28.500 tấn xút mỗi năm ra sông Hậu.

Theo Bộ Công thương, khu vực Tây Nam bộ có địa hình thấp, hệ thống sông ngòi đan xen nên không phù hợp khi trồng cây nguyên liệu giấy và việc sản xuất bột giấy từ gỗ phải dùng nhiều hóa chất nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn.

Không những thế, việc bộ này đề xuất dừng dự án nhà máy sản xuất bột giấy vì dự án này đã được UBND tỉnh Hậu Giang cấp chứng nhận đầu tư khi không có ý kiến của bộ chuyên ngành là không đúng theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP.

Một góc Cụm công nghiệp Giấy Lee & Man. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Giám sát môi trường ra sao?

Cách nay hơn 9 năm, thời điểm Công ty TNHH Lee & Man nộp đơn xin đầu tư dự án nhà máy sản xuất bột giấy tại Châu Thành (Hậu Giang), Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT đề nghị bộ có ý kiến chính thức vì dự án có nguy cơ gây bức tử sông Hậu, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn lợi thủy sản khu vực ĐBSCL. Gần đây, trước những tác động môi trường từ các dự án khác và thông tin nhà máy sản xuất giấy Lee & Man chuẩn bị đi vào hoạt động, dư luận lại một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo, các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ quy trình đầu tư, đánh giá tác động môi trường của dự án sản xuất giấy Lee & Man. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc, làm rõ những vấn đề xung quanh dự án này.

Tuy nhiên, dừng dự án sản xuất bột giấy mới chỉ là một phần của cụm công nghiệp này. Dư luận vẫn tiếp tục lo lắng khi nhà máy sản xuất giấy bao bì và nhiệt điện đốt than đi vào hoạt động. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), nhà máy giấy Lee & Man lớn như vậy nhưng lại không có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược liên quan đến phát triển công nghiệp; trong khi, báo cáo đánh giá tác động môi trường dù đã được phê duyệt nhưng rất sơ sài. “Nhà máy giấy có sức thải lớn đặt bên cạnh dòng sông bao giờ cũng là điều lo ngại. Bởi tất cả những hoạt động của nhà máy sẽ sản sinh ra một lượng độc chất trong nước thải rất lớn. Nếu không có biện pháp xử lý và kiểm soát hiệu quả thì hậu quả rất nặng nề. Đặc biệt, khu vực này nuôi trồng thủy sản rất nhiều, rồi canh tác nông nghiệp, sinh hoạt cho người dân ở đó và hệ sinh thái vùng từ Hậu Giang ra tới cửa sông rất nhạy cảm”.

Trước những vấn đề đang đặt ra từ Cụm công nghiệp giấy Lee & Man, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Hiện Bộ TN-MT đã thành lập đoàn kiểm tra rà soát tổng thể dự án này, vì vậy việc có dừng dự án này hay không là do Bộ TN-MT quyết định chứ không thuộc thẩm quyền của tỉnh Hậu Giang”. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho biết thêm, dù tỉnh Hậu Giang còn nghèo nhưng sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Bộ TN-MT về dự án Nhà máy giấy Lee & Man, địa phương sẽ nghiêm túc kiểm soát nguồn nước thải của nhà máy, buộc nhà máy này phải xây hồ chứa lắng lọc trước khi xả thải ra môi trường; giao Sở TN-MT địa phương thường xuyên quan trắc, kiểm tra. Theo đó, hồ nước này phải nuôi được cá. Chỉ như vậy, việc đảm bảo an toàn về môi trường khi nhà máy này đi vào hoạt động mới đạt được yêu cầu của cuộc sống.

Đề nghị minh bạch dự án Nhà máy Giấy Lee & Man

Ngày 25-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội ở ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2016.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Sự kiện xả chất thải độc hại từ nhà máy Formosa hay Vedan trước đó đang đặt ra yêu cầu giám sát và thẩm định của các cơ quan chức năng trong quá trình kêu gọi và thẩm định dự án đầu tư, nhất là những dự án có nguy cơ xả thải cao. Tình trạng trên đang được dư luận và cơ quan truyền thông lo ngại đến khả năng xả thải ra sông Hậu của dự án sản xuất giấy từ Nhà máy giấy Lee & Man (Hồng Công, Trung Quốc) tại Hậu Giang cũng như 29 nhà máy khác thuộc về ngành thủy sản, sản xuất bia, dược phẩm, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mía đường… trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.

“Quan điểm của VCCI luôn đặt vấn đề môi trường là ưu tiên, cần có giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, minh bạch về thông tin, đồng thời cũng tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư nếu như thỏa mãn các điều kiện của Chính phủ và pháp luật quy định. VCCI đã đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang rà soát và cần tổ chức họp báo sớm cung cấp thông tin về dự án trước công luận”, ông Lam nhấn mạnh.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục