Chiều 19-5, Sở TN-MT TPHCM - Thường trực Ban chỉ huy dự án thành phần 2: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM tổ chức họp về kiểm tra tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 2 Vành đai 3.
Tại buổi làm việc, “nóng” nhất là câu chuyện Công ty TNHH MTV Cây trồng chậm bàn giao mặt bằng.
Thường trực Ban chỉ huy dự án thành phần 2 Vành đai 3 họp chiều 19-5 |
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài cho biết, diện tích của Công ty Cây trồng bị ảnh hưởng bởi dự án là 81,2ha. Trong đó 19,1ha đất do công ty đang quản lý, còn 62,1ha được khoán cho 65 hộ (gồm 12 trường hợp còn thời hạn giao, còn 53 trường hợp đã hết thời hạn). Tính đến nay, có 27 hộ đã giao đất, còn lại 38 hộ chưa giao. Trong số 38 hộ chưa giao mặt bằng, chỉ 8 hộ còn hạn giao khoán.
Theo hợp đồng giao khoán sử dụng đất, hộ nhận khoán phải nộp 4 loại tiền, gồm thuế nông nghiệp, tiền thuê đất, thủy lợi phí và chí phí quản lý. Tổng số tiền là hơn 1 triệu đồng/ha/năm.
Chủ trì buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực nhiều lần chất vấn: Có bao nhiêu trường hợp trực tiếp sản xuất, bao nhiêu trường hợp cho thuê lại, thu lợi bất chính? Lãnh đạo Công ty Cây trồng dự họp nhưng không có câu trả lời.
Trước câu hỏi vì sao hết hạn hợp đồng giao khoán rồi mà Công ty không thu hồi đất, trong khi đó là trách nhiệm của công ty? Lãnh đạo Công ty Cây trồng liên tục kêu khó, cho rằng việc này có yếu tố lịch sử để lại. Các hộ được khoán đất từ 20 năm trước theo dạng kinh tế mới, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hải An, Chủ tịch HĐTV Công ty Cây trồng phát biểu. Ảnh: MAI HOA |
Ông Nguyễn Hải An, Chủ tịch HĐTV Công ty Cây trồng khẳng định quan điểm công ty hết sức nghiêm túc chấp hành việc bàn giao đất. Về phần đất của công ty đã được bàn giao đúng tiến độ. Còn đất hộ khoán cần giải quyết “thấu tình đạt lý”.
Theo ông Nguyễn Hải An, người dân còn thắc mắc về đơn giá đền bù áp dụng theo đơn giá từ năm 2015 là không phù hợp. Ngoài ra tiền đầu tư trên đất yêu cầu phải có chứng từ thì cũng khó. Phía công ty cây trồng đề nghị được bồi thường, hỗ trợ cho các hộ nhận khoán và đất công ty trực tiếp sản xuất, để tạo điều kiện cho công ty có nguồn tài chính tiếp tục sản xuất, bù đắp thiệt hại khi đất bị thu hồi bởi dự án đường Vành đai 3.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM nhìn nhận, phía Công ty Cây trồng chưa làm tròn trách nhiệm khi không xử lý thu hồi đối với các trường hợp đã hết hạn hợp đồng. Trong khi UBND TPHCM giao hơn 2.500 ha đất cho công ty là giao tạm, xem như quỹ đất dự trữ.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực chủ trì buổi họp. Ảnh: MAI HOA |
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực yêu cầu công ty phải rà soát, các trường hợp đúng đối tượng trực tiếp sản xuất trên đất và thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính với công ty thì báo cáo để UBND huyện Bình Chánh kiểm đếm và hỗ trợ ngay theo quy định.
Với các trường hợp giao khoán hết hạn, công ty phải ra thông báo thu hồi đất ngay. Những hộ hết hạn mà không đồng ý bàn giao mặt bằng, cần lên phương án kiểm đếm và tổ chức cưỡng chế trước ngày 15-6.
Theo ông Võ Trung Trực, công ty giao khoán cho người dân hơn 1 triệu đồng/ha/năm, cần xem lại có thất thoát, lãng phí hay không. Ông tìm hiểu được biết, hầu hết người thuê đất đã cho thuê lại với giá 20-40 triệu đồng/năm, thu lợi bất chính lâu nay. Việc này cần giao cơ quan điều tra, thanh tra làm rõ.
Buổi họp của Thường trực Ban chỉ huy dự án thành phần 2 dự án đường Vành đai 3 diễn ra rất khẩn trương |
Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh Lôi Đại Phong bức xúc khi phía Công ty liên tục kêu khó. Theo ông Phong, không thể có chuyện công ty giao khoán đất rồi giờ kêu khó không thu hồi được.
Ông Phong cho biết, có tình trạng xây dựng nhiều biệt phủ trên đất này. Ông đồng tình việc kiến nghị cơ quan điều tra, thanh tra vào cuộc xử lý.