Như Báo SGGP đã phản ánh, trong các hạng mục của Dự án kè chống sạt lở Quốc lộ 24 đoạn qua TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) thì hạng mục đường giao thông kết hợp kè dài hơn 858m với tổng vốn 31 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành nhưng hiện đang bị hư hỏng nghiêm trọng.
Cụ thể đoạn đường dài khoảng 100m đã sạt lở nghiêm trọng xuống phần ta-luy, ăn sâu gần hết mặt đường. Hàng trăm tấn đất, đá và bê tông gia cố bị cuốn vương vãi khắp nơi. Phần mặt đường còn lại có nhiều vệt lún, nứt toác kéo dài hàng trăm mét.
Sau khi có thông tin phản ánh báo chí, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đi thị sát, trực tiếp kiểm tra khu vực sạt lở cũng như chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các đơn vị liên quan như đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, thẩm định dự án, thẩm định hồ sơ để có báo cáo làm rõ nguyên nhân...
Vị kỹ sư này nói tiếp về quy trình kiểm tra: Công trình chống sạt lở đều tính toán phương án khảo sát địa chất, địa hình mới lên phương án thiết kế cho đảm bảo, có cả đề phòng cho trường hợp mưa lũ. Muốn tìm nguyên nhân thì đi rà từng khâu.
Để kiểm tra thi công thì cần xem lại mặt đường để kiểm tra độ đầm chặt nền đường (hay còn gọi là hệ số K. Hệ số K càng lớn thì càng chặt) xem đã đầm chặt theo yêu cầu của thiết kế chưa. Thông thường, ở các dự án giao thông, hệ số K thường từ 0,9 đến 0,95.
Trong trường hợp kiểm tra đơn vị tư vấn thiết kế và thi công đều đảm bảo thì cuối cùng mới tính đến yếu tố thời tiết. Khi thiết kế đều tính toán khả năng chịu đựng lượng mưa ở một mức độ nào đó. Nếu trường hợp mưa “quá lớn”, vượt qua khả năng dự toán trong thiết kế thì có thể làm sạt lở.
Tuy nhiên, vị kỹ sư này nêu quan điểm, lượng mưa như thời gian qua làm sạt lở thì cũng hơi khó. Nếu mà mưa làm sạt lở thì sạt lở ở một điểm chứ không làm sạt lở dàn trải dài như vậy.
Kỹ sư này cũng cho rằng qua quan sát bằng kinh nghiệm của ông thì phỏng đoán hệ số K, tức độ đầm chặt nền đường, chưa đảm bảo.
“Tuy nhiên, muốn biết chính xác hệ số K đảm bảo hay không cần thì thuê đơn vị thí nghiệm độ nén, độ đầm để kiểm tra”, kỹ sư này nói thêm.