Vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2: Xét xử cựu cán bộ công an về hành vi che giấu tội phạm

Ngày 7-12, thông tin từ Tòa án nhân dân TP Hà Nội, dự kiến ngày 24-12 sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 về các tội "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Che giấu tội phạm".

Như Báo SGGP đã thông tin, theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Cơ quan tố tụng xác định, lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương; trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ/nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.

chuyến bay giải cứu.jpg
Hành khách trên chuyến bay giải cứu

Trong vụ án, có bị cáo lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của cơ quan chức năng. Theo đó, viện kiểm sát cho rằng bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên), có hành vi nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 3 chuyến bay. Trần Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất chính hơn 3,2 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế với 5 chuyến bay khác.

Bị cáo Lê Thị Phượng (cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) bị cáo buộc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc.

Tại tỉnh Quảng Nam, các bị cáo Nguyễn Văn Văn (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế) và Lê Ngọc Tường (cựu Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL), cùng bị cáo buộc trục lợi rồi thực hiện theo đề nghị của Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chủ trương chấp thuận tiếp nhận công dân về cách ly y tế tại Quảng Nam cho Công ty Blue Sky. Các bị cáo khác trong vụ có hành vi đưa/nhận hối lộ để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo…

Trong vụ án, cơ quan công tố truy tố bị cáo Nguyễn Xuân Thông (cựu cán bộ công an) về tội "Che giấu tội phạm". Theo cáo trạng, bị cáo Thông quen biết Trần Minh Tuấn (đã bị phạt tù trong giai đoạn 1 vụ án) và từ năm 2021, 2 người thường trao đổi với nhau về việc Tuấn thực hiện các chuyến bay giải cứu.

Từ tháng 6-2022, Tuấn bắt đầu bị điều tra nên nhờ Nguyễn Xuân Thông giúp đỡ. Do vậy, khi cơ quan an ninh điều tra triệu tập Tuấn, Thông gọi điện tới điều tra viên, giới thiệu bản thân công tác tại Cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, đề nghị cho Tuấn được lùi thời gian làm việc.

Trong tháng 7-2022, Nguyễn Xuân Thông còn gặp Tuấn tại một quán ăn gần trụ sở Bộ Công an. Khi đó, Tuấn cho biết đã nhận hơn 10 tỷ đồng của Phạm Bích Hằng, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế để đi đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền và chi phí trong việc xin thủ tục tổ chức chuyến bay cho một số doanh nghiệp của Hằng.

Bị cáo Thông đã trao đổi, thảo luận và thống nhất hướng dẫn Tuấn không được khai với cơ quan điều tra về số tiền Tuấn đã nhận của Hằng để đi đưa hối lộ, cần khai gian đối rằng số tiền này Tuấn đã trả lại hết cho Hằng bằng tiền mặt; những nội dung khác thì: "Cứ khai không biết để về suy nghĩ, trả lời sau".

Do có hướng dẫn của Nguyễn Minh Thông, Trần Minh Tuấn khai báo gian dối, gây khó khăn có công tác điều tra, cản trở việc làm rõ bản chất vụ án. Dù Tuấn bỏ trốn, anh ta vẫn bị bắt và đưa ra tòa với cáo buộc "Đưa hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Do vậy, Nguyễn Xuân Thông bị cho đã che giấu hành vi phạm tội của Trần Minh Tuấn, cần bị xử lý nghiêm.

Phiên tòa diễn ra dưới sự điều hành của thẩm phán Nguyễn Xuân Văn và dự kiến kéo dài 8 ngày, gồm cả ngày nghỉ. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có 3 người thuộc Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội gồm các ông Đỗ Mạnh Quang, Đỗ Minh Tuấn và bà Nguyễn Thị Lan Anh.

Tin cùng chuyên mục