Tại hiện trường, theo quan sát của phóng viên, Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải biển Hải Vân và Công ty TNHH Cứu hộ cứu nạn Đại Minh (đơn vị liên doanh trục vớt tàu chìm) đã triển khai nhiều tàu cẩu trục, sà lan, các phương tiện khác để tiến hành trục vớt và rà quét thu gom các container chìm dưới lòng sông. Đơn vị này cũng đã báo cáo 2 phương án trục vớt.
Trong đó, phương án 1 là sẽ xoay phần lái tàu ra khỏi luồng, dự kiến đến ngày 25-11 có thể lưu thông hàng hải một chiều; phương án 2 sẽ rút hết tất cả container hàng trong hầm tàu chìm, kéo tàu ra khỏi luồng.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị liên quan, Bộ GTVT đề nghị đơn vị trục vớt chú ý đẩy nhanh tiến độ trục vớt và phải dựa trên nguyên tắc an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm thủ tục tại các cảng ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai; nếu có nhu cầu thì có thể làm thủ tục tại cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) để đẩy nhanh thủ tục thông thương.
Trước tình hình cấp bách, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công yêu cầu ngày 25-11 phải thông luồng một chiều hướng TPHCM ra phao số 0 của Vũng Tàu, đồng thời việc trục vớt cần phải thực hiện khẩn trương và tiến hành giải phóng toàn bộ luồng từ ngày 10 đến 15-12. Cảng vụ Hàng hải TPHCM và các đơn vị liên quan phải tăng cường giám sát, đốc thúc để công tác trục vớt được nhanh chóng, an toàn, đảm bảo chất lượng...
Về vấn đề môi trường do sự cố chìm tàu, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, với sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị có liên quan, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TPHCM, đến thời điểm này các vấn đề liên quan đến sự cố tràn dầu đã được xử lý tốt, chưa ghi nhận bất cứ sự tác động nào liên quan đến vấn đề này.
Trước đó, rạng sáng 19-10, tàu Vietsun Integrity chở theo gần 300 container, hành trình từ cảng VICT - TPHCM đi Hải Phòng bị chìm trên sông Lòng Tàu, thuộc khu vực thượng lưu mũi An Thạnh, khu vực phao báo hiệu hàng hải số 28 luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu.