(SGGPO).- Đến 17 giờ 15 giờ 30 ngày 4 - 8, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Việt Nam đã tìm thấy thêm 1 thi thể nạn nhân trong vụ lật ca nô ở Cần Giờ. Như vậy, tính tới thời điểm này, cơ quan chức năng đã tìm thấy 7/9 người mất tích trong vụ lật tàu hôm 2 - 8.
Hiện thi thể 2 nạn nhân đã được đưa vào Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khu vực 3 ở Vũng Tàu. Cơ quan chức năng của TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn lại.
Trước đó, chiều 3 - 8, lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể 2 nạn nhân khác là Nông Thị Thiên (34 tuổi) và Cao Hoàng Phương Khanh (33 tuổi).
*Vụ việc xảy ra lúc 20 giờ 30, đêm 2-8. Ca nô số hiệu H29-BP (của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang giao sửa chữa) chở 30 khách xuất phát từ huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) về Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi qua vùng biển thuộc địa phận xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM), cách bờ khoảng 3,5km, ca nô bất ngờ gặp sóng lớn nên bị nghiêng và chìm. Một nạn nhân còn giữ được điện thoại đã thông báo tai nạn và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 3 lập tức điều tàu SAR 272 và tàu SAR 413 (phối hợp với các tàu cứu nạn của Bộ đội Biên phòng TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu) triển khai các phương án tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn.
Trong đêm 2-8, các tàu cứu hộ đã khoanh vùng, xác định được vị trí tàu chìm và cứu được 21 người, trong số này có 14 người được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ, 7 người chuyển về Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu để cấp cứu.
*Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ cho biết, lúc 2 giờ 30 sáng 3-8, Bộ đội Biên phòng TPHCM đưa 14 nạn nhân vào bệnh viện trong tình trạng nhiễm lạnh, nhiều người bị trầy xước. Bệnh viện đã tích cực cấp cứu cho nạn nhân, hiện tất cả 14 người đã hồi phục.
Trong sáng ngày 3-8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương tổ chức công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Đồng chí Võ Thị Dung, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cũng đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ thăm hỏi, động viên tinh thần các nạn nhân vượt qua khó khăn. Bà Dung cũng cho biết Bộ Tư lệnh TPHCM đã lập Ban Chỉ huy tiền phương để khẩn cấp tìm kiếm các nạn nhân còn lại theo tinh thần “còn nước còn tát”.
*Tiếp xúc với PV vào trưa 3-8 tại Bệnh viện Đa khoa Cần Giờ, anh Hoàng Anh Tuấn (quê Hưng Khánh, Hưng Nguyên, Nghệ An) với vẻ mặt chưa hết thất thần, kể lại sự việc: “Lúc đó khoảng 8 giờ 30 giờ tối, một cơn sóng lớn đánh mạnh làm ca nô bị nghiêng, mọi người bên trong đổ dồn về một phía. Tài công đã kêu gọi và yêu cầu những người đi trên ca nô phải nhanh chóng giãn ra để ca nô giữ được thăng bằng. Trong lúc mọi người chưa kịp giãn ra thì sóng lớn lại đánh mạnh khiến ca nô bị lật úp. Lúc này tất cả buộc phải nhảy xuống biển và bám vào phần đuôi ca nô chưa bị chìm. Cầm cự được vài chục phút, một số người chịu không nổi đã buông tay”.
Được lực lượng cứu hộ tiếp cận và cứu được khi đang trong tình trạng đuối sức, chị Nguyễn Thị Bình, cho biết: “Đến giờ tôi vẫn không tin mình còn sống. May mắn là trong lúc xảy ra tai nạn, một người vẫn giữ được chiếc điện thoại và gọi cơ quan chức năng. Nếu không…”. Anh Nguyễn Văn Cương, người sở hữu chiếc điện thoại duy nhất đã gọi điện báo cho Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí VN và lực lượng cứu hộ.
Đến 12 giờ trưa ngày 3-8, 14 nạn nhân trong vụ tai nạn được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Cần Giờ đã xuất viện.
Hiện cơ quan chức năng xác định vị trí tàu chìm là Cồn Ngựa, cách bờ biển Vũng Tàu khoản 6 -7 hải lý, cách bờ biển Cần Giờ khoảng 3-4 hải lý. Ngoài vị trí chìm tàu, các cơ quan chức năng (Bộ Tư lệnh TPHCM, Công an TPHCM, Đội cứu nạn - cứu hộ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, Bộ đội Biên Phòng TPHCM, Bộ Tư lệnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, C67 – Bộ Công an, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam,...) vẫn đang nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân.
| ||||||||||
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục sự cố chìm ca nô tại Cần Giờ
Ngày 3-8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo việc khắc phục sự cố chìm ca nô H29 của Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, tại khu vực biển huyện Cần Giờ, TPHCM; yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tập trung chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các lực lượng hải quân, Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, phối hợp với các lực lượng cứu hộ cứu nạn của TPHCM tổ chức tìm kiếm những người còn mất tích.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo các lực lượng của thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân, tổ chức cứu chữa người bị thương, thăm hỏi động viên gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân trong vụ chìm ca nô.
Kiểm tra an toàn phương tiện giao thông thủy
(SGGP).- Tại cuộc họp đột xuất chiều 3-8 liên quan đến việc chìm ca nô ở vùng biển Cần Giờ, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM cho biết, 11 giờ ngày 3-8, tàu SAR413 kéo ca nô bị chìm về TP Vũng Tàu đã phát hiện thi thể của chị Nông Thị Thiêm (34 tuổi) là phụ bếp và đưa về Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu).
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhận định ban đầu cho thấy, sự cố xảy ra khoảng 8 giờ tối khi sóng to gió lớn và ở khu vực có dòng chảy phức tạp. Đây là sự việc nghiêm trọng, số người chết và mất tích khá lớn. Ngay khi tiếp nhận thông tin, các lực lượng chức năng của TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhanh chóng ra khơi tìm kiếm và cứu được 21 người trong số 30 người trên ca nô. Bộ trưởng GTVT đã đánh giá cao khả năng ứng phó kịp thời của các lực lượng cứu hộ 2 địa phương, kể cả huyện Cần Giờ. Nếu việc tìm kiếm chậm trễ thêm 30 phút có thể số người mất tích còn nhiều hơn. Điều cần làm hiện nay là nhanh chóng huy động phương tiện tiếp tục tìm kiếm số người mất tích. Bên cạnh đó cần làm rõ nguyên nhân tai nạn, có hay không việc ca nô vận chuyển quá số người, việc đăng kiểm tàu, áo phao có trang bị đủ cho hành khách hay không, cảng vụ có làm đúng quy trình? Ngoài ra, cần làm rõ thông tin vì sao 2 tàu đi cùng với ca nô bị chìm mãi đến khi cập cảng Vũng Tàu mới có người đi trình báo sự việc.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng đây là thiệt hại rất lớn về người. Dù nguyên nhân là sóng to gió lớn nhưng điều đáng nói ở đây là sự chủ quan của con người. Qua đó cũng cho thấy cần chấn chỉnh lại việc thông tin, liên lạc giữa các cấp để cùng phối hợp cứu hộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, đây là sự cố đáng tiếc với 9 người chết, mất tích xảy ra trên vùng biển Cần Giờ, nhưng qua đó cũng cho thấy, các lực lượng ứng cứu của TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu có phản ứng nhanh khi biết vụ việc xảy ra. Sở GTVT lập ngay tổ kiểm tra các phương tiện giao thông thủy, phải đảm bảo tuyệt đối về độ an toàn, trang bị đủ áo phao cho hành khách. Đặc biệt, khi mưa bão không cho tàu thuyền xuất bến.
Tối 3-8, đại tá Lê Ngọc Hùng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM, cho biết đơn vị tìm kiếm đã vớt thêm được một thi thể đàn ông tên Can Hoàng Phương Khanh lúc 16 giờ 20. Như vậy, đến nay 7 người vẫn còn mất tích.
Trước đó, lúc 15 giờ ngày 2-8, theo báo cáo của UBND huyện Cần Giờ, tại vùng biển mũi Đồng Hòa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ do sóng to, lốc xoáy làm chìm tàu mua hải sản, trên tàu có 6 người. Ngay sau khi nhận được tín hiệu cứu nạn của ngư dân, lực lượng Biên phòng huyện Cần Giờ và UBND huyện đã kịp thời có mặt và vớt được toàn bộ 6 người đưa vào bờ an toàn, riêng phương tiện và tài sản trên tàu chìm chưa thể trục vớt.
CÔNG PHIÊN
T.Vũ-P.Khuynh-S.Hải