* Tàu cánh ngầm lại làm khách hoảng loạn
(SGGP).- Ngày 24-8, Bộ GTVT đã công bố kết quả điều tra, xử lý bước đầu vụ tai nạn chìm ca nô ở Cần Giờ (TPHCM) vào ngày 2-8.
Theo đó, ca nô BP 12-04-02 bị chìm do nhiều nguyên nhân. Ca nô này đã bị sử dụng sai mục đích vì chỉ là phương tiện của Bộ đội biên phòng phục vụ mục đích tuần tra, không được dùng chở khách. Ca nô chở số người gấp 2,5 lần cho phép (30 người/12 người, chưa kể các hành lý cá nhân kèm theo). Theo giấy chứng nhận đăng kiểm, ca nô này chỉ được phép hoạt động trong vùng sông - vịnh kín, do vậy, hành trình đi từ Tiền Giang sang Vũng Tàu và bị chìm tại khu vực biển Cần Giờ là vùng không được phép hoạt động.
Ca nô chìm còn do việc điều khiển ca nô không phù hợp. Sau khi ra khỏi cạn ở khu vực Cồn Ngựa, người điều khiển ca nô đã bẻ lái sang phải, làm tăng tác động của sóng lên mạn phải. Trong điều kiện ca nô chở người vượt quá khả năng cho phép, sóng lớn đã làm ca nô nghiêng trái đột ngột, gây lệch trọng tâm, nước tràn vào ca nô dẫn đến mất khả năng hồi phục về vị trí cân bằng, làm cho ca nô bị lật. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy tốc độ cao; phương tiện vào, rời nơi không được công bố cho tàu thuyền neo đậu...
Kết quả điều tra còn cho thấy một số cá nhân đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, nhất là có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn, không thông báo kịp thời cho cơ quan chuyên ngành về tìm kiếm cứu nạn dẫn đến hậu quả vụ tai nạn trở nên nghiêm trọng hơn. Những vi phạm này có dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tổ điều tra tai nạn Bộ GTVT đã chuyển hồ sơ liên quan đến vụ tai nạn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM thụ lý theo thẩm quyền.
Khoảng 8 giờ ngày 24-8, tàu cánh ngầm Greenlines B5 khởi hành từ TPHCM đi Vũng Tàu, khi tàu vừa từ sông ra đến cửa biển (khu vực vịnh Gành Rái) thì bị sóng lớn đánh vỡ một bên kính trước mũi tàu. Nước ập vào trong tàu khiến hành khách hoảng loạn.
Sau khi sự cố xảy ra, lái tàu Đoàn Duy Khánh đã tìm cách khắc phục, xử lý tạm thời, đưa được tàu cùng 75 hành khách về đến cảng Cầu Đá (Vũng Tàu). Cảng vụ thủy nội địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập biên bản vụ việc, đồng thời tạm dừng cấp phép xuất bến đối với tàu này.
Tàu Greenlines B5 thuộc loại tàu cánh ngầm 1 động cơ. Theo thông báo mới đây của Bộ GTVT, từ 1-9 sẽ tạm dừng hoạt động loại tàu cánh ngầm 1 động cơ này vì thường xảy ra chết máy, trôi dạt rất nguy hiểm cho hành khách. Ngày 22-8, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã họp bàn phương án bố trí cảng an toàn cho tàu cánh ngầm vào sông Dinh mà không phải đi qua vịnh Gành Rái thường có sóng to, gió lớn rất nguy hiểm. Cảng vụ thủy nội địa tỉnh cũng đề nghị xây dựng thêm vài điểm neo đậu trên các tuyến sông từ TPHCM về Vũng Tàu để tàu cánh ngầm tránh trú khi gặp thời tiết xấu.
Chiều 24-8, Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy (PC68) Công an TPHCM cho biết, từ năm 2007 đến nay, tàu cao tốc cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu xảy ra 8 vụ tai nạn và 6 sự cố. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn và sự cố do máy móc cũ kỹ, hoặc quá hạn sử dụng; lái tàu không làm chủ được tốc độ. Trong 7 tháng đầu năm 2013, tàu cao tốc cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu xảy ra 14 sự cố do hỏng động cơ hoặc phương tiện không đạt được tốc độ...
BÍCH QUYÊN - QUỲNH VY - TUẤN VŨ
- Vụ chìm ca nô làm chết 9 người tại huyện Cần Giờ: Chuyển hồ sơ sang Công an TPHCM