Trước đó, cuối tháng 3-2021, vụ cháy bãi tạm giữ xe vi phạm của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) khu vực 3 (Đội CSGT quận Thủ Đức cũ) ở phường Bình Thọ, TP Thủ Đức làm 75 xe máy bị thiêu rụi.
Các xe bị cháy là xe cũ nát, không có giấy tờ, được tạm giữ lâu ngày và không có ai tới nhận. Công an đã ra quyết định tịch thu và chờ hoàn tất thủ tục đấu giá, thanh lý thì xảy ra vụ cháy. Dù vậy, qua các vụ cháy trên, nhiều người dân thắc mắc, những chủ xe có được bồi thường?
Luật sư Đặng Thái Huy (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, CSGT được phép tạm giữ phương tiện vi phạm. Khi phương tiện vi phạm bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản phương tiện.
Nếu phương tiện bị mất, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế linh kiện thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định. Ngoài ra, theo Điều 10 Nghị định 115/2013, cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện bồi thường, trừ khi vụ cháy phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Như vậy, trong vụ cháy nêu trên, phía CSGT phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các chủ xe máy, ô tô bị cháy, nếu cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân cháy không phải do lỗi của chủ xe hay do sự kiện bất khả kháng.
Về nguyên tắc, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường (bằng tiền hoặc bằng hiện vật), thời gian bồi thường. Nếu không thể thỏa thuận được thì chủ xe có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Luật sư Đặng Thái Huy hướng dẫn, người bị thiệt hại chuẩn bị các giấy tờ liên quan, trong đó có giấy đăng ký phương tiện, biên bản tạm giữ phương tiện và liên hệ với cơ quan CSGT để thỏa thuận việc bồi thường.
Luật sư Trần Hữu Tuấn (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết thêm, chủ sở hữu xe có quyền yêu cầu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt lập biên bản về tài sản bị hư hỏng, mất mát trong quá trình bị tạm giữ. Ngoài ra, để xác định chủ thể bồi thường thiệt hại thì phải căn cứ vào kết quả điều tra vụ cháy.
Nếu kết quả điều tra xác định vụ cháy có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Người gây ra hỏa hoạn sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các chủ xe. Trường hợp kết luận điều tra xác định người gây ra vụ cháy mất năng lực hành vi dân sự, người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường.