Ông Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu), Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi về vấn đề này.
* PHÓNG VIÊN: Liên quan đến vụ gian lận thi cử, ông nhận định thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là về thông tin ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Sơn La bị tố trực tiếp “nhờ” cấp dưới nâng điểm cho thí sinh? Cụ thể, ngày 28-6-2018, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, gọi Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho ông Yến hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm?
* ÔNG CHU LÊ CHINH: Trong bối cảnh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019-2020 sắp đến, cử tri và phụ huynh, học sinh rất mong đợi kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra về vụ gian lận thi cử gây rúng động trong năm 2018. Đây cũng là bài học về nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan cho kỳ thi năm nay, không để tái diễn sai phạm đáng tiếc như năm vừa qua.
Để xảy ra tiêu cực trong thi cử từ coi thi, chấm thi tới kết quả thì trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch hội đồng chấm thi, người làm công tác quản lý giáo dục ở địa phương và cơ quan kiểm tra, giám sát thanh tra vấn đề thi cử. Nhưng trách nhiệm chính vẫn là Chủ tịch Hội đồng chấm thi.
Vừa qua, qua lời khai của một số đối tượng có liên quan thì một số sai phạm, tiêu cực gian lận là do danh sách ở trên đưa xuống. Vậy danh sách ở trên đưa xuống thì ai đưa xuống, đưa xuống vì mục đích và động cơ như thế nào, chỗ này hiện chưa rõ và cơ quan điều tra sẽ phải làm cho ra. Tôi đề nghị phải làm nhanh và có kết luận chính cho đúng người, đúng hành vi và tính chất vi phạm, đúng quy định của pháp luật.
* Có thông tin cho biết, gian lận điểm thi lên đến 1 tỷ đồng/trường hợp, ông đánh giá thế nào về thông tin này?
* 1 tỷ đồng, ít hơn hay nhiều hơn đấy cũng là một hành vi tiêu cực trong thi cử. Vừa qua, thông tin này báo chí đưa nhiều, nhưng cụ thể như thế nào, xác định rõ là ai, người đưa, người nhận… cần được xác định rõ. Thông tin đại chúng đưa rất rõ rồi, nhưng nếu cơ quan điều tra không làm rõ đến cùng, người dân sẽ hoang mang, rồi những cá nhân có hành vi đó có thể trót lọt.
Tôi tin rằng, qua kinh nghiệm vừa rồi, tại kỳ thi năm nay, chúng ta sẽ có những cảnh báo và chủ động tổ chức tốt hơn, nghiêm túc hơn, không để xảy ra như năm vừa qua. Đó là mong muốn của cả phụ huynh, học sinh. Chúng ta đều mong muốn một nền giáo dục bình đẳng trong giáo dục.
Tôi cho rằng, nên công khai danh tính của thí sinh, cá nhân có sai phạm (kể cả phụ huynh, người có trách nhiệm trong tổ chức thi, quản lý giáo dục). Chúng ta phải xử lý công khai theo quy định của pháp luật, không thể ngoài quy định của pháp luật được. Tất nhiên, việc công khai vừa phải bảo đảm yếu tố bí mật đời tư cá nhân, vừa đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, tạo sự công bằng trong xã hội, công bằng trong chính sách pháp luật.
ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Phải công bố công khai có hay không dùng tiền tỷ chạy điểm ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Vụ gian lận điểm thi là sai phạm trầm trọng. Qua kết quả điều tra công bố mới đây càng cho thấy độ nghiêm trọng hơn. Phần lớn những người được chỉ ra có con được nâng điểm là cán bộ quản lý, có những người là thanh tra, kiểm sát, quản lý lãnh đạo ngành giáo dục, các cơ quan ban ngành, lãnh đạo tỉnh. Họ là những người hiểu luật pháp mà lại dính vào sai phạm này nên dư luận rất mong sẽ xử lý thật nghiêm. Thông tin mỗi trường hợp chạy điểm đến hàng tỷ đồng càng làm tăng mức độ trầm trọng của vụ án, tạo ra mối nguy hại về đạo đức, luật pháp và sử dụng quan hệ tiền tệ trong giáo dục. Vì thế, bất kể một cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm, phải điều tra và càng phải điều tra nhanh, xử lý sớm bao nhiêu thì càng ngăn chặn được nguy hại cho kỳ thi tới đây. Cơ quan điều tra không thể dừng con số 1 tỷ đồng/trường hợp, mà cơ quan điều tra phải trả lời rõ cho dư luận rằng, ai tham gia vào việc này, tiền là bao nhiêu, ai là người đưa tiền, ai là người nhận. Phải đi đến cùng việc đó, phải công bố công khai. Phải điều tra ra ai là người dùng tiền để chạy điểm, hoặc có người không dùng tiền mà dùng quyền lợi, dùng quan hệ... Tất cả những người đó đều phải bị công khai, phải xử lý, không trừ trường hợp nào, vì đó là hành vi tham nhũng. Nếu thí sinh tham gia vào vụ việc này thì cũng phải công bố, xử lý nghiêm minh. Nhân đạo là đạo là đối với các cháu là nạn nhân, là hậu quả bởi người khác làm, còn thí sinh biết và tham gia vào thì phải xử nghiêm. |