Trách nhiệm các bên ra sao?
Chung cư Carina Plaza do Công ty Hùng Thanh làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Dịch vụ địa ốc Sài Gòn (SEJCO) được Hùng Thanh thuê quản lý, vận hành bằng hợp đồng số 37 (quản lý bãi xe nhà chung cư) và hợp đồng số 38 (quản lý vận hành nhà chung cư) từ tháng 12-2016. Công ty bảo vệ Gia Khang là đơn vị được SEJCO thuê để thực hiện công tác giữ xe tầng hầm tòa nhà - nơi xảy ra vụ cháy.
Phía Hùng Thanh cho biết, 2 hợp đồng số 37 và 38 đều được Công ty Hùng Thanh ký với SEJCO có hiệu lực trong vòng 2 năm. Liên quan đến phần cháy nổ, hợp đồng ghi rất rõ: SEJCO thay mặt Hùng Thanh làm việc với cơ quan có liên quan, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC); tổ chức thực tập PCCC định kỳ, cùng với Hùng Thanh lập phương án PCCC để cư dân nắm được các bước cần thiết khi có sự cố xảy ra. SEJCO cũng phải đảm bảo quản lý vận hành nhà chung cư với chất lượng tốt, an toàn vệ sinh và phòng chống cháy nổ phù hợp các quy định pháp luật. Trong hợp đồng cũng nhấn mạnh đến nghĩa vụ của SEJCO phải kiểm tra giám sát, quản lý, vận hành liên quan đến hoạt động nhà chung cư gồm thang máy, dụng cụ thiết bị PCCC, máy phát điện dự phòng... Và hợp đồng cũng ghi rõ: SEJCO phải bố trí người bảo vệ, kỹ thuật trực 24/24 giờ với 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ và tết.
Căn cứ trên các cơ sở đó, Hùng Thanh cho rằng khi xảy ra sự cố, SEJCO phải có trách nhiệm phối hợp, xử lý sự cố, khắc phục thiệt hại. Trong quá trình xác định thiệt hại, giám định hậu quả và đàm phán về việc bồi thường cho cư dân, SEJCO cũng phải tham gia. Vậy mà từ khi xảy ra vụ cháy đến nay, hầu như SEJCO không hợp tác với Công ty Hùng Thanh để xác định trách nhiệm của các bên liên quan.
Trong công văn số 181 ngày 21-4-2018 phản hồi với Hùng Thanh, SEJCO cho rằng các hợp đồng 38 và 37 là hợp đồng gói nhân sự theo mức giá và chi phí tiền lương nhân công trực tiếp, gián tiếp ấn định hàng tháng của chủ đầu tư ký với SEJCO. Các nguồn thu từ chung cư đều là thu hộ chủ đầu tư. Do đó, SEJCO không có bất kỳ nguồn thu nào khác từ các hợp đồng này và chưa có khoản kinh phí nào để tạm ứng bồi thường cho cư dân. Tuy phía SEJCO cũng không thoái thác trách nhiệm, nhưng viện dẫn chờ cơ quan điều tra, xét xử thiệt hại đến đâu, tỷ lệ trách nhiệm bao nhiêu thì mới tham gia bồi thường.
Cả hai cùng chịu trách nhiệm
Theo kết luận giám định của cơ quan cảnh sát điều tra (căn cứ trên kết quả giám định số 1516/C54B của Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM), vùng cháy đầu tiên là khu vực khoang để xe máy số 6. Nguyên nhân cháy do trên hệ thống dây dẫn điện của một xe máy đã xảy ra sự cố chập điện. Và từ đây đám cháy lan đi các hướng gây cháy to.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM), với bản kết luận nêu trên, trách nhiệm đền bù về tài sản hay bồi thường thiệt hại thuộc về nhiều bên. Trong trường hợp này, cần xem xét kỹ hợp đồng mà chủ đầu tư là Hùng Thanh thuê SEJCO quản lý, vận hành như thế nào. Từ đó phân định trách nhiệm giữa chủ đầu tư và công ty quản lý vận hành phải bồi thường thiệt hại cho cư dân và khắc phục hậu quả vụ cháy. Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định: “Hiện tại đã xác định được nguyên nhân vụ cháy do tai nạn bất cẩn, hậu quả thiệt hại do yếu kém về quản lý. Còn hệ thống thiết bị không đúng chuẩn, kém chất lượng hay do thiết kế tòa nhà sai, nghĩa vụ bồi thường về tính mạng, sức khỏe lẫn thiệt hại vật chất thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư tòa nhà và đơn vị quản lý”.
Còn theo luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư TPHCM), trong quá trình nhận chuyển giao, nếu thấy chất lượng công trình không được đảm bảo, hệ thống PCCC không hoạt động tốt, hoặc không hoạt động, thì SEJCO phải yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, sửa chữa trước khi vận hành. Trường hợp không khắc phục để xảy ra hậu quả thiệt hại nặng nề như trên, trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư là rất lớn.