Vụ cháu bé 10 tuổi lọt vào trụ bê tông sâu 35m: Huy động trên 200 người cứu hộ

Địa phương đã huy động trên 200 người cứu hộ cháu bé bị lọt vào trụ bê-tông rỗng bán kính 25cm, đóng sâu xuống lòng đất 35m.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trực tiếp chỉ huy tại hiện trường
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trực tiếp chỉ huy tại hiện trường

14 giờ 20 ngày 2-1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin với báo chí, địa phương đã huy động trên 200 người cứu hộ cháu bé bị lọt vào trụ bê-tông rỗng bán kính 25cm, đóng sâu xuống lòng đất 35m.

Theo ông Bửu, lực lượng ứng cứu tại chỗ khoảng trên 200 người gồm có: Đơn vị thi công, lực lượng phòng cháy chữa cháy, bộ đội… Các thiết bị chuyên dụng cũng được tập trung tới đây.

Quân khu 9 đã cử đến đây một lực lượng công binh, thiết bị chuyên dụng như: nội soi thăm dò, rồi các loại thiết bị cắt khối bê-tông cũng được tập trung để khi cần thì bất kể ngày đêm có sẵn để ứng phó, với giải pháp làm sao để sớm đưa được ống cọc có bé bị kẹt lên. Sau đó thì cứu hộ tiếp theo bằng các thiết bị chuyên dụng trên mặt đất.

Ông Đoàn Tấn Bửu thông tin với báo chí
Ông Đoàn Tấn Bửu thông tin với báo chí

Ông Bửu nhấn mạnh: Đây là một trường hợp trước giờ địa phương chưa có tiền lệ, là tình huống khẩn cấp, nguy kịch. Do đó, các lượng chuyên môn đang tập trung, nhóm kỹ thuật làm việc liên tục, rút ngắn thời gian cứu hộ. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo cho các ngành, đơn vị thi công, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để rút ngắn thời gian cứu hộ này. Hy vọng có kết quả sớm, không kéo dài để giảm bớt áp lực, sự lo lắng của gia đình.

Theo ông Bửu, “tình huống rơi trong lòng ống hẹp, độ sâu 35m, với độ sâu như thế, rơi từ trên thẳng xuống như vậy thì em bé có khả năng bé bị đa chấn thương, không đảm bảo thông khí, trong điều kiện lạnh không được ăn uống nên tiên lượng rất xấu”. Địa phương cũng đang tính đến khả năng cấp cứu tại hiện trường, sẵn sàng các phương án hỗ trợ cho gia đình, cho bé…

Phóng viên đặt câu hỏi: Sao không vừa thực hiện thăm dò, vừa cứu hộ?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu thông tin: “Không thể tiến hành song song 2 biện pháp vừa thăm dò, vừa cứu hộ được mà phải ưu tiên cứu hộ để rút ngắn thời gian, còn thăm dò khi cần thiết. Một mặt bơm oxy xuống, dưỡng khí, còn thăm dò thì sau, ưu tiên cho cứu hộ để rút ngắn thời gian”.

Hiện phương án cứu hộ là các đơn vị chuyên môn đang tập trung làm mềm xung quanh để giảm bớt bám dính ma sát, đủ điều kiện thì đưa ống lên bằng thiết bị chuyên dụng, tiếp tục thăm dò trong lòng ống, rồi còn đoạn nào sẽ cưa cắt cứu hộ em bé.

Hiện lực lượng cứu hộ tập trung xử lý bên ngoài, để khi áp lực ma sát bám dính giảm, thì phương tiện cẩu ống cọc này lên sẽ được thực hiện sớm. Phương án hiện nay là giảm áp lực bám dính ma sát để cẩu ống cọc bê tông lên để rồi sau đó cứu hộ bước 2, trong đó mình cưa cắt đưa ra bên ngoài để cứu hộ tiếp tục...

Tin cùng chuyên mục