Bà Tống Thị Song Hương, Chánh Văn phòng Tổng hội Y học Việt Nam: Cần đưa ra mức trần thanh toán
Từ năm 2018 đến nay, danh mục thuốc BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới, trong khi trên thế giới, quy trình cập nhật danh mục này tương đối nhanh chóng. Danh mục thuốc được BHYT chi trả ở nước ta chậm cập nhật có liên quan tới vấn đề cân đối Quỹ BHYT. Nếu không đưa, hay chậm cập nhật các thuốc mới vào danh mục thuốc được BHYT chi trả thì người dân không được tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt và phải mua thuốc bên ngoài, nhưng nếu đưa vào cũng phải có những tính toán để bảo đảm cân đối Quỹ BHYT.
Để giải quyết việc cân đối cho Quỹ BHYT khi đưa thuốc mới vào danh mục thuốc BHYT thì trong dự án Luật BHYT sửa đổi tới đây, cần đưa ra mức trần thanh toán. Ví dụ, thủy tinh thể đang có dải giá rộng từ 700.000 đồng đến 24 triệu đồng, BHYT thanh toán mức 3 triệu đồng có thể sử dụng làm mức trần. Như vậy, ai tham gia BHYT cũng được hưởng quyền ở mức cơ bản; nếu họ muốn hưởng, sử dụng dịch vụ, thuốc cao hơn thì phải chi trả. Bộ Y tế cần nghiên cứu về vấn đề này vì các thuốc mới khi được đưa vào danh mục được thanh toán BHYT, người bệnh có thẻ BHYT sẽ cảm thấy vẫn được BHYT chi trả và được sử dụng các dịch vụ tốt hơn.
Bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế ): Cố gắng mở rộng tối đa quyền lợi cho người tham gia BHYT
Việt Nam được coi là quốc gia có danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT tương đối đầy đủ và rộng so với mức đóng trung bình của người tham gia BHYT. Do đó, tỷ trọng chi cho thuốc điều trị được đảm bảo ở mức cân đối, hợp lý sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT, cân đối Quỹ BHYT, cũng như tính khoa học hợp lý trong chỉ định khám chữa bệnh.
Hiện có nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại Việt Nam có tính hiệu quả, an toàn và chi phí phù hợp nhưng chưa được cập nhật vào danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán. Người bệnh muốn phạm vi tốt nhất, thầy thuốc, nhân viên y tế cũng luôn muốn quyền lợi tốt nhất cho người bệnh nhưng Quỹ BHYT chỉ có hạn. Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất đa dạng nguồn kinh phí BHYT để cố gắng mở rộng tối đa quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam): Xây dựng danh mục phù hợp với khả năng chi trả
Mặc dù hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt hơn 92% dân số, nhưng mức đóng BHYT hàng năm thấp, dẫn đến Quỹ BHYT có giới hạn; thế nhưng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng lớn, cũng như nhu cầu được tiếp cận với các thuốc mới, vật tư y tế có hiệu quả cao trong khám chữa bệnh. Để hóa giải thách thức “đảm bảo cân đối thu chi”, cũng như phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững, việc xây dựng danh mục thuốc, vật tư y tế hiệu quả, an toàn, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT là rất quan trọng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế thông qua các cơ chế mua sắm khác nhau từ cấp trung ương đến từng bệnh viện có vai trò quan trọng để đảm bảo việc sử dụng Quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Mong thuốc mới được BHYT chi trả
Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, có đến 82%-85% bệnh nhân điều trị do BHYT chi trả. Trong điều trị ung thư, thường phải điều trị thời gian dài, kiên trì, hơn nữa trên thế giới liên tục cập nhật các phác đồ điều trị mới, thuốc mới có hiệu quả cao. Nhưng những loại thuốc đó thường rất đắt đỏ, không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện sử dụng. Khi áp dụng điều trị bằng các loại thuốc mới, chúng tôi rất hy vọng thuốc đó được BHYT thanh toán để giúp người bệnh giảm gánh nặng. Việc bổ sung thuốc mới vào danh mục thuốc được thanh toán BHYT là điều cần thiết vì các khuyến cáo điều trị cập nhật và thay đổi liên tục, đặc biệt là lĩnh vực chuyên khoa sâu. Đây cũng là việc tất yếu phải làm vì quyền lợi và điều tốt nhất cho người bệnh, nhưng phải đánh giá trên đầy đủ các nghiên cứu khoa học làm cơ sở.
Anh Cao Vũ Lâm (đường Trần Đình Xu, quận 1, TPHCM): Chờ danh mục thuốc BHYT đầy đủ và đa dạng
Ba tôi mắc nhiều bệnh liên quan đến tim mạch, phải tái khám và lấy thuốc uống hàng tháng tại bệnh viện. Vừa rồi, tôi phải chi hơn 3 triệu đồng tiền thuốc ngoài danh mục BHYT. Thậm chí, những tháng gần đây, ngoài thuốc được BHYT thanh toán, tôi phải mua thêm thuốc bên ngoài theo toa của bác sĩ cho ba tôi. Bác sĩ giải thích là đơn vị không đủ thuốc và mong được thông cảm. Khi tham gia BHYT, chúng tôi đóng tiền đầy đủ và đúng hẹn cũng chỉ mong được hưởng quyền lợi của mình, nhất là có đủ thuốc để dùng. Tôi mong danh mục thuốc BHYT sẽ đầy đủ và đa dạng để bệnh nhân đỡ chật vật chạy tiền.