Ngay sau khi phát hiện tình trạng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè cảng Dung Quất, huyện Bình Sơn, với gần 100 hộ thiệt hại và hơn 30 tấn cá chết, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã tiến hành lấy mẫu cá và mẫu nước xét nghiệm, tìm nguyên nhân cá chết. Ban đầu đã xác định mẫu cá xét nghiệm vẫn an toàn.
Đến ngày 15-10, Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường đã gửi kết quả xét nghiệm mẫu nước.
Theo đó, mẫu nước được lấy tại 2 tầng mặt và đáy cách khu vực bè nuôi 400m về hướng Bắc, khu vực đang hút cát gần bờ, cách bè nuôi 600m về hướng Tây Bắc, khu vực hút cát cách khu vực bè nuôi 500m về hướng Tây.
Kết quả gần khu vực bè nuôi không bị biến thiên, tất cả nằm trong quy chuẩn. Khu vực bè nuôi cá hai tầng mặt và tầng đáy không bị ô nhiễm. Như vậy, có thể cho thấy hoạt động hút cát chỉ gây xáo trộn cục bộ, không ảnh hưởng đến khu vực bè nuôi.
Khu vực bè nuôi cũng không bị ô nhiễm, chỉ có tầng đáy khuẩn coli biến thiên nhẹ do hoạt động nuôi cá gây nên.
Như vậy, nguồn nước không bị ô nhiễm, mẫu cá cũng an toàn. Việc nguyên nhân cá chết vẫn còn nhiều tiềm ẩn.
Tuy nhiên, các ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cá ở cảng Dung Quất không nên tiếp tục nuôi cá. Khi xảy ra tình trạng cá chết năm 2017, thì cùng năm 2017, UBND huyện Bình Sơn đã tập trung chỉ đạo chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch, đồng thời chỉ đạo chấm dứt nuôi cá lồng trên vùng biển huyện Bình Sơn.
Theo đó, UBND huyện đã tổ chức họp dân nuôi cá tại thôn Sơn Trà (xã Bình Đông) để các hộ dân tự tháo dỡ lồng bè, chấm dứt việc nuôi cá để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước…
Tuy nhiên, khi UBND huyện xuống kiểm tra tình trạng nuôi cá bớp chết hàng loạt vừa qua, thì vẫn còn hơn 40 hộ dân xã Bình Đông với 258 ô, lồng, ngoài ra một số hộ ở xã Bình Thạnh và Bình Thuận tiếp tục nuôi cá bớp.