Tại buổi làm việc, Phòng NN-PTNT huyện Bình Sơn và Phòng TN-MT huyện Bình Sơn đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu cá và mẫu nước.
Theo đó, kết quả mẫu cá không phát hiện virus gây hoại tử thần kinh, mẫu nước không bị ô nhiễm.
Mẫu xét nghiệm được UBND huyện Bình Sơn gửi đến từng hộ nuôi cá lồng bè có mặt tại buổi làm việc để công khai các thông tin xét nghiệm.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, chia sẻ với những thiệt hại của bà con nuôi cá lồng bè. Tuy nhiên, ông Trung khuyến cáo người nuôi nên chấm dứt việc nuôi cá tại cảng Dung Quất.
Năm 2017, huyện Bình Sơn đã họp dân để chấm dứt tình trạng nuôi cá tự phát, tuy nhiên vì thời điểm này cá lồng bè đã đạt trọng lượng 2-3kg, nên chính quyền để cho người dân tiếp tục được nuôi đến khi xuất bán mới yêu cầu tháo dỡ lồng bè nuôi. Lúc này vẫn có một số hộ đã chủ động ngừng nuôi cá tránh tình trạng thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ tiếp tục nuôi đến nay.
Tại buổi làm việc, nhiều người nuôi cá có nhiều ý kiến xoay quanh kết luận xét nghiệm mẫu và yêu cầu huyện Bình Sơn có hướng giải quyết tình trạng cá tồn đọng trong kho đông lạnh vì không xuất bán được.
Ông Nguyễn Nhất, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông cho biết, trước năm 2015, rất nhiều hộ nuôi cá ở khu vực cảng Dung Quất đạt hiệu quả cao. Nếu tính tỷ lệ cá chết thì chưa tới 20%, người nuôi cá có lãi, thấy vậy, nhiều người dân tiếp tục đổ xô vay mượn để nuôi cá. Tuy nhiên, từ năm 2015-2017, thời tiết, bệnh dịch dẫn đến việc cá bị chết nhưng tỷ lệ chết không cao. Đến năm 2018 thì xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.
“Người nuôi cá ở xã Bình Đông có nhiều kinh nghiệm, cũng biết theo dõi thời tiết để tránh thiệt hại, nhưng hiện tượng cá chết lần này rất bất thường”, ông Nhất nói.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, cho biết: “Khi lặn xuống biển, tôi phát hiện có lượng bùn lớn, điều này có thể khiến cá thiếu oxy, cá chết đột ngột. Việc xuất hiện bùn chỉ mới có, trước kia lặn xuống chỉ có cát. Bùn nhiều thì khó nuôi cá”.
Nhiều hộ nuôi ngoài thắc mắc về kết quả xét nghiệm và các giải đáp về nguyên nhân cá chết. Các hộ nuôi ý kiến về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người nuôi nếu như tháo dỡ lồng bè vì người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ nghề nuôi cá lồng bè. Đồng thời, giải quyết số lượng cá tồn đọng trong kho đông do không bán được, những thiệt hại của người dân là quá lớn, mang cả nợ nần để đầu tư nuôi cá.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết: “Trước mắt, huyện yêu cầu UBND xã Bình Đông thống kê số lượng cá cấp đông chưa bán được chậm nhất là chiều 17-10. Huyện Bình Sơn sẽ liên hệ các cơ quan, doanh nghiệp, tìm đầu mối giúp hỗ trợ tiêu thụ cá bớp đông lạnh chưa bán được, đồng thời, người dân cũng cần thống nhất giá bán ra”.
Đối với hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tháo dỡ lồng bè. Ông Trung cho biết thêm, khi có quyết định về chấm dứt nuôi cá lồng bè năm 2017, xã Bình Đông cũng kiến nghị hỗ trợ 50% giá trị lồng bè cho người nuôi. Tuy nhiên, thống kê cả 2 xã Bình Đông và Bình Thạnh đang nuôi cá, số tiền hỗ trợ đến 7,2 tỷ đồng. Việc này vượt khả năng ngân sách huyện. Huyện Bình Sơn sẽ tiếp tục kiến nghị đến UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết.
Tại buổi làm việc, các ý kiến xoay quanh kết quả xét nghiệm mẫu cá và mẫu nước mà người nuôi thắc mắc, vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.