Trong số các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Buôn lậu” có: Hoàng Duy Tiến (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Nghệ An, trú quận Bình Tân, TPHCM), Võ Văn Đông (sinh năm 1967, ngụ quận 8, TPHCM) từng là cán bộ công an công tác ở Đội 7, Phòng PC03, Công an TPHCM; 7 bị can là nhân viên của bị can Tiến; 11 bị can là lãnh đạo và giám định viên của Công ty Cổ phần giám định Đại Minh Việt (gọi tắt là Công ty Đại Minh Việt).
Theo kết luận điều tra, vụ án buôn lậu do Tiến và đồng phạm thực hiện trong thời gian dài đã nhập số lượng lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam. Dù biết rõ các quy định nhưng Tiến vẫn móc nối với các chủ hàng để nhập khẩu trái pháp luật các máy móc, thiết bị cũ vào Việt Nam để kinh doanh mua bán nhằm hưởng lợi bất chính.
Để thực hiện hành vi, Tiến và các nhân viên của mình trực tiếp sử dụng pháp nhân các công ty do Tiến chỉ đạo nhân viên thành lập để làm thủ tục nhập khẩu. Toàn bộ các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các lô hàng hóa đều được Tiến và đồng bọn điều chỉnh nội dung, làm giả, lập khống trở thành đủ điều kiện theo quy định.
Để hàng hoá đủ thủ tục, Tiến móc nối với Công ty Đại Minh Việt để lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống để cung cấp cho cơ quan Hải quan đủ thủ tục thông quan theo quy định.
Với các bị can là nhân viên Công ty Đại Minh Việt, dù không thỏa thuận với Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam để tiêu thụ nhưng các bị can là Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng Phòng giám định, Giám định viên biết rõ các quy định. Tuy nhiên, các bị can bất chấp quy định lập khống các biên bản cũng như cấp khống các chứng thư giám định, bỏ mặc hậu quả, để Tiến và nhân viên của Tiến hợp thức hóa hồ sơ thông quan hàng hóa trót lọt.
Với các bị can là chủ hàng của Tiến do có nhu cầu mua bán các mặt hàng máy móc, thiết bị cũ để kiếm lời nên các bị can móc nối, thỏa thuận với Tiến để Tiến nhập lậu hàng hóa về Việt Nam. Sau đó, Tiến giao lại cho các bị can để kinh doanh mua bán, không có máy móc, thiết bị nào được nhập về để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hành vi của các bị cáo được xác định là đồng phạm với Tiến.
Kết luận điều tra thể hiện, bị can Tiến được xác định là chủ mưu, am hiểu các quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhưng vì muốn thu lợi bất chính mà Tiến có hành vi móc nối với nhóm chủ hàng chuyên kinh doanh mua bán máy móc, thiết bị cũ. Tiến đã chỉ đạo, thuê nhân viên thành lập các công ty, lập giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa.
Đồng thời, Tiến móc nối với công ty giám định để nhập khẩu số lượng đặc biệt lớn hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ trái quy định pháp luật từ nước ngoài về Việt Nam để giao lại cho các chủ hàng, nhằm thu lợi bất chính. Từ tháng 9-2019 đến 24-5-2021, Tiến sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam hơn 1.280 container hàng với tổng giá trị hơn 211 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cũng thể hiện, Đông là lực lượng cảnh sát phòng chống buôn lậu, am hiểu các quy định về xuất, nhập khẩu hàng hóa. Vì muốn thu lợi bất chính, Đông đã móc nối, thỏa thuận với Tiến để nhập lậu các máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam giao cho Đông tiêu thụ.
Từ tháng 2-2021 đến 24-5-2021, Tiến làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu vận chuyển trót lọt về kho cho Đông 6 container hàng máy móc thiết bị cũ hơn 924 triệu đồng. Sau mỗi lần nhập container hàng vào Việt Nam và giao về kho thành công, Đông gặp Tiến tại cơ quan hoặc quán cà phê để đưa tiền mặt chi phí nhập hàng cho Tiến.
Quá trình điều tra, lời khai của Tiến và đồng bọn cùng kết quả thu thập tài liệu, dữ liệu thể hiện để nhập lậu trót lọt hàng hóa qua cảng Cát Lái thì các bị can có mối quan hệ, trao đổi với V.X.Đ. là cán bộ hải quan Đội Thủ tục hàng hóa thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, TPHCM và một số cá nhân khác để hỗ trợ cho hoạt động buôn lậu của nhóm. Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý trước pháp luật.
Liên quan đến Công ty Đại Minh Việt, ngoài đồng phạm với Tiến về tội “Buôn lậu”, Cơ quan điều tra nhận thấy toàn bộ khoản tiền thanh toán chi phí giám định vào tài khoản cá nhân, không đưa vào báo cáo tài chính, báo cáo thuế của công ty, có dấu hiệu của tội “Trốn thuế”. Cơ quan điều tra sẽ thu thập tài liệu, chứng cứ để điều tra làm rõ, xem xét xử lý.
Đối với Lê Trần Viết Luân có hành vi giúp sức cho hoạt động của Tiến, người này không có mặt ở địa phương nên Cơ quan điều tra chưa làm việc được nên chưa xác định rõ được ý thức chủ quan, tính chất mức độ của hành vi để xử lý. Hiện Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy tìm Luân để tiếp tục làm rõ, xử lý đúng pháp luật.