Hai trong số 26 bị can trong vụ buôn lậu 1.282 container máy móc, thiết bị cũ là Hoàng Duy Tiến (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Nghệ An, trú quận Bình Tân, TPHCM) và Võ Văn Đông (sinh năm 1967, ngụ quận 8, TPHCM) từng là cán bộ công an công tác ở Đội phòng chống buôn lậu (Đội 7) của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03), Công an TPHCM.
Theo kết luận điều tra, bị can Hoàng Duy Tiến được xác định là chủ mưu. Theo đó, Hoàng Duy Tiến vốn am hiểu các quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhưng vì muốn thu lợi bất chính mà Tiến đã có hành vi móc nối với nhóm chủ hàng chuyên kinh doanh mua bán máy móc, thiết bị cũ.
Cụ thể, Tiến đã chỉ đạo, thuê nhân viên thành lập các công ty, lập giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa; móc nối với công ty giám định để nhập khẩu số lượng đặc biệt lớn hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ trái quy định pháp luật từ nước ngoài về Việt Nam để giao lại cho các chủ hàng, nhằm thu lợi bất chính.
Từ tháng 9-2019 đến ngày 24-5-2021, Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam hơn 1.280 container hàng với tổng giá trị hơn 211 tỷ đồng.
Tại cơ quan công an, Tiến khai báo thành khẩn và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Cũng theo kết luận điều tra, Võ Văn Đông cũng công tác ở Đội 7, Phòng PC03, Công an TPHCM với Tiến. Trong quá trình công tác chung, vào tháng 2-2021, Đông gặp Tiến nói là có người bạn có nhu cầu nhập khẩu các container hàng máy móc cũ từ nước ngoài vào Việt Nam nên gợi ý Tiến thỏa thuận nhận làm. Tiến đồng ý nhận nhập khẩu các container hàng từ nước ngoài về Việt Nam cho Đông với chi phí 90 triệu đồng/container (đã bao gồm chi phí vận chuyển).
Tiến trực tiếp nhận thông tin bill tàu, list hàng của container hàng máy móc thiết bị cũ từ Đông mà không thông qua nhân viên của Tiến. Sau đó, Tiến chỉ đạo các nhân viên của mình làm hồ sơ, thủ tục nhập khẩu các container hàng tại Chi Cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I tương tự như các chủ hàng khác.
Trao đổi, liên lạc trong suốt quá trình nhập các container giữa Tiến và Đông chủ yếu qua ứng dụng Viber. Ngoài ra, Đông còn cung cấp số điện thoại của Hải (chưa rõ lai lịch, là nhân viên của Đông) cho Tiến để Tiến cung cấp cho bên nhà xe, giám định để liên hệ với Khải giao nhận các container và giám định máy móc thiết bị cũ các container hàng của Đông.
Sau mỗi lần nhập container hàng vào Việt Nam và giao về kho thành công, Đông gặp Tiến tại cơ quan hoặc quán cà phê để đưa tiền mặt chi phí nhập hàng cho Tiến như thỏa thuận.
Kết luận điều tra xác định, từ tháng 2-2021 đến 24-5-2021, Tiến đã làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu vận chuyển trót lọt về kho cho Đông tổng cộng 6 container hàng máy móc thiết bị cũ. Kết quả giám định các lô hàng trên trị giá hơn 924 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, Đông không thừa nhận có liên quan hay có thỏa thuận gì với Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa máy móc cũ từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ, dữ liệu điện tử thu thập và kết quả điều tra vụ án, cơ quan điều tra đủ căn cứ nhận định Đông thông qua Tiến nhập khẩu trót lọt 6 container hàng máy móc thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 2-2021 đến trước khi Tiến bị bắt.
Kết luận điều tra cũng thể hiện, Đông là lực lượng cảnh sát phòng chống buôn lậu, am hiểu các quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu hàng hóa. Vì muốn thu lợi bất chính, Đông đã móc nối, thỏa thuận với Tiến để nhập lậu các máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam giao cho Đông tiêu thụ.