Ông Ngân cho biết, đây là một gia đình chính sách, bố ông Dịch là liệt sĩ hy sinh thời kháng chiến chống Pháp, bản thân ông Dịch cũng là người có công, con trai lớn hiện đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, hơn nữa nếu một gia đình bình thường mà rơi vào cảnh như thế này thì cũng cần được bảo vệ để tránh khỏi nạn mê tín dị đoan, gây mất tình làng nghĩa xóm.
Ông Ngân là người từng đến thăm hỏi gia đình ông Dịch vào tết Mậu Tuất và đánh giá đây là gia đình mẫu mực trong cuộc sống.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Quảng Bình, bà Phạm Thị Hân cho biết, sau khi đọc báo, lãnh đạo Hội đã chỉ đạo chị em hội phụ nữ tỉnh, huyện, xã đến thăm hỏi, động viên gia đình bà Hà vì bà Hà và con gái đều là thành viên của Hội phụ nữ. Ngoài ra Hội cũng chỉ đạo tuyên truyền đến từng hội viên là không có cái gọi "ma thuốc độc" nhằm từng bước đẩy lùi mê tín dị đoan, xây dựng lối sống của người phụ nữ ở thôn Rẫy không tin vào lời đồn nguy hại, không có thật.
Trong một diễn biến khác, ông Trần Quốc Tuấn - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình đã trực tiếp chỉ đạo huyện đoàn và xã đoàn tuyên truyền trong hệ thống đoàn viên của xã là gia đình ông Dịch - bà Hà không gieo rắc bất cứ sai trái nào cho ai. Đây là gia đình có truyền thống cách mạng, tuân thủ tốt quy định của pháp luật, cũng như mọi phong trào của địa phương. "Ma thuốc độc" là lời đồn đại mê tín, đoàn viên không nên tin sự dị đoan này. Đoàn viên cũng phải giải thích cho thành viên gia đình dòng họ vấn đề này để ông Dịch - bà Hà cùng con cháu không còn cảnh bị người xấu đổ oan dẫn đến sự xa lánh, kỳ thị không đáng có.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình cũng có chỉ đạo theo hệ thống tuyên truyền trong dân chúng loại bỏ lời đồn ác ý với gia đình ông Dịch - bà Hà.