Theo kết quả khảo sát, dự án nói trên do UBND huyện Đăk Hà làm chủ đầu tư, vốn đầu tư 149 tỷ đồng, nhằm mục tiêu bố trí ổn định dân cư cho 300 hộ với 1.500 nhân khẩu. Tuy nhiên, số hộ bố trí sắp xếp tại khu tái định cư là 126 hộ/674 khẩu (đạt 42%). Trong đó, có 86/126 hộ ở cố định tại khu tái định cư, còn 40 hộ chưa ở cố định, chỉ lên canh tác rồi quay về làng cũ sinh sống.
Có 85 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất. Ông A Luy, thôn trưởng thôn Pa Cheng, cho biết, có 10 hộ đã tự chuyển nhượng bằng giấy viết tay đất ở, đất sản xuất cho người khác.
Các chính sách hỗ trợ khuyến nông, chuồng trại, lương thực 12 tháng cho các hộ dân trong vùng dự án không được thực hiện; diện tích đất sản xuất bình quân cho mỗi hộ còn thấp nên rất khó khăn cho phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.
Việc triển khai thực hiện rà phá bom mìn đợt 1 được UBND huyện Đăk Hà thực hiện trước thời điểm cấp thẩm quyền cho chủ trương bổ sung vào quy mô đầu tư của dự án; rà phá bom mìn đợt 2 được phê duyệt trong năm 2018, cùng với năm kết thúc dự án, trong khi diện tích rà phá bom mìn lớn hơn rất nhiều so với tổng diện tích đất thực tế giao cho các hộ dân sử dụng và đất bố trí công trình hạ tầng.
Giếng không có nước vào mùa khô. Hầu hết, nhà ở các hộ dân thôn Pa Cheng (đoạn trước trường tiểu học của thôn) có diện tích nhỏ, đất ở không có ranh giới, không biết đất của mình tới đâu, được bao nhiêu m2; nhà chưa được tô trát; có nhà chưa được láng nền, chưa có công trình phụ, nhà vệ sinh, không bảo đảm cho việc ở, sinh hoạt.
Diện tích đất được quy hoạch, thu hồi để giao đất sản xuất cho người dân khoảng 13,7ha nhưng không ai nhận, vì có độ dốc lớn, nhiều đá sỏi, không sản xuất được.
Các hộ dân ký nhận hoặc điểm chỉ nhận đủ số tiền hỗ trợ làm nhà là 41 triệu đồng/hộ, nhưng các hộ dân phản ánh, thực tế họ không được nhận đủ số tiền này và được Ban Quản lý dự án của huyện Đăk Hà thông tin là trừ vào tiền mua máy tưới cà phê cho các nhóm hộ.
Không thực hiện xây dựng nhà ở tái định cư tại hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật mà thay bằng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân tự làm nhà. Trong quyết toán, không có nội dung hỗ trợ làm nhà ở tái định cư nhưng được quyết toán với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Đoàn khảo sát đánh giá, UBND huyện chỉ đạo triển khai thực hiện dự án chưa chặt chẽ, sâu sát, kịp thời theo quy định, dẫn đến nhiều sai sót trong việc thực hiện dự án; nhiều nội dung hỗ trợ di dời và sản xuất của các hộ dân chưa đầy đủ, còn tập trung cho các nội dung đầu tư hạ tầng, dẫn đến đời sống của các hộ dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chưa chú trọng đến chế độ chính sách hỗ trợ cho các hộ dân di dời, chưa quan tâm bố trí ngân sách huyện lồng ghép các nguồn vốn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đoàn khảo sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Kết quả khảo sát nói trên cũng đã được gửi đến Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum.
Như Báo SGGP đã phản ánh, người dân chuyển lên khu tái định cư nói trên để sinh sống nhưng cuộc sống gặp nhiều khốn khó, phải bỏ về làng cũ sinh sống.