Vụ “Bắt 30m³ gỗ lậu trên biên giới”: Đồn biên phòng không thể vô can

Sáng ngày 8-9, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã trực tiếp xuống hiện trường nơi bắt giữ 30m3 gỗ vô chủ nằm khu vực biên giới giữa cột mốc 13 và 14 (xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) để kiểm tra thực địa nhằm tìm hướng xử lý.

 

Theo vị lãnh đạo này, khu vực bắt giữ 3 bãi gỗ với khối lượng 30m3 (gỗ nhóm II đến nhóm VIII) nằm giữa cột mốc 13 và 14, cách đường bê tông tuần tra “không quá 15m”. Sau khi kiểm tra thực địa, Chi cục cũng đã làm việc trực tiếp với UBND huyện Ia Hdrai. Phía UBND huyện Ia Hdrai đã chỉ đạo cho Hạt kiểm lâm chủ trì phối hợp công an huyện, viện kiểm sát, biên phòng, UBND xã Ia Đal đi xác minh nguồn gốc gỗ từ đâu về cũng như chủ gỗ.

“Huyện cũng thành lập tổ truy quét dọc tuyến đường tuần tra biên giới của huyện Ia Hdrai, kể cả trong các lô cao su, cũng như mở rộng tìm kiếm xem còn gỗ trên dọc đường biên không”, vị này nói và cho biết thêm khi nào có kết quả sẽ thông tin.

Dù vị trí bắt gỗ nằm “không quá 15m” so với đường bê tông tuần tra nhưng người phát hiện đầu tiên không phải là biên phòng mà là… người dân. Việc này đã được lãnh đạo UBND xã Ia Đal kể lại: Trước khi xảy ra vụ bắt giữ gỗ, xã nhận thông tin từ quần chúng có báo vụ gỗ tập kết nên thông báo cho Hạt kiểm lâm phối hợp xử lý, sau đó báo cho biên phòng cùng tham gia vì đây là khu vực biên giới.   

Làm việc với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo Đồn biên phòng Suối Cát (đóng tại xã Ia Đal) thừa nhận vị trí bắt gỗ thuộc quản lý của Đồn biên phòng Suối Cát. Nói về gỗ bị bắt, vị lãnh đạo này nói gỗ bắt giữ nghi còn sót lại của một doanh nghiệp nhập khẩu gỗ.

Tuy nhiên, trả lời Báo SGGP, đại diện doanh nghiệp được nhập khẩu gỗ và Chi cục Kiểm lâm Kon Tum bác bỏ nghi vấn này. Chi cục Kiểm lâm Kon Tum thông tin: Gỗ được phép nhập khẩu từ Campuchia về huyện Ia Hdrai (tỉnh Kon Tum) đã dừng từ ngày 30-6. Các doanh nghiệp nhập khẩu đã chở gỗ đi hết khỏi địa bàn huyện Ia Hdrai nên không còn gỗ tồn.

Đại diện Chi cục cũng nhận định gần khu vực tìm thấy gỗ thuộc địa phận Việt Nam quản lý không có rừng để khai thác nên có khả năng gỗ được kéo từ Campuchia về. Nếu sau này xác định gỗ này là buôn lậu qua biên giới thì giao cho biên phòng xử lý, còn nếu xác định hành vi mua bán, vi phạm quy định quản lý bảo vệ thì tham mưu huyện xử lý.

Ông Bùi Thanh Bình, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum cho biết, theo nguyên tắc, gỗ nằm trong vùng quản lý đường biên thì trách nhiệm chính của biên phòng, thứ hai là chính quyền địa phương sở tại. 

Trước đó, như Báo SGGP đã phản ánh, vào ngày 3-9, lực lượng chức năng đã bắt giữ tại khu vực giữa cột mốc đường biên 13 và 14 (xã Ia Đal) 3 bãi gỗ lậu với khối lượng khoảng 30m3. Gỗ bị bắt có gỗ quý hiếm như gõ (nhóm II).

Tin cùng chuyên mục