Ngày 21-3, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM duyệt các nội dung thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của Sở Lao động Thương binh - Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM.
Báo cáo về các nhiệm vụ sẽ thực hiện, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, trong năm 2019, sở thực hiện 37 chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành. Trong đó, có 4 chỉ tiêu do UBND TPHCM giao là tạo việc làm mới cho 130.000 lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 83%, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị xuống dưới 3,8% và giảm 1% hộ nghèo, cận nghèo. Trong cải cách hành chính (CCHC), sở phấn đấu đạt tỷ lệ 30% hồ sơ trực tuyến; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt trên 99%.
Về công tác cai nghiện ma túy, hiện nay, 17 cơ sở cai nghiện đang quản lý gần 11.900 người; gần 5.700 người đang tham gia điều trị Methadone.
Trong buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặt ra vấn đề, trên địa bàn TPHCM vừa mới bóc gỡ đường dây mua bán, vận chuyển 300kg ma túy tổng hợp; trong khi đó, điều trị thay thế nghiện bằng thuốc Methadone không còn tác dụng với ma túy “đá” (chỉ có tác dụng điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện – PV), vậy bây giờ giải pháp cai nghiện ra sao?
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho hay, tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp (hàng “đá”) đang chiếm tỷ lệ rất cao trong số người đang cai nghiện tại các cơ sở, lên đến 70%. Với những người nghiện ma túy tổng hợp thì phương pháp điều trị thay thế bằng Methadone quả thật không có tác dụng. Công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận những nỗ lực của ngành LĐTB-XH trong năm 2018, với kết quả ấn tượng nhất là hoàn thành mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm so với kế hoạch.
Chỉ đạo cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, về cải cách hành chính, năm 2019, Sở LĐTB-XH TPHCM không nói chung chung mà phải có giải pháp cải cách cụ thể đối với từng lĩnh vực: giáo dục nghề nghiệp, lao động việc làm, an toàn lao động, chính sách có công, giảm nghèo… Từng lĩnh vực phải biết “tắc” ở chỗ nào, cần tập trung tháo gỡ ở đâu và sở cần kích hoạt đúng “điểm nghẽn” để tạo ra sự đột phá. Vì thế, sở phải ngồi lại, phân tích, nhận diện lại tình hình để xác định đúng trọng tâm điểm cần tháo gỡ. Về đo lường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ hài lòng hiện nay với Sở LĐTB-XH TPHCM là 99%.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu sở xem xét lại phương pháp đánh giá đã chuẩn xác, thuyết phục chưa; nếu thật sự đạt 99% thì đây là con số đáng hoan nghênh.
Liên quan đến chi trả thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, UBND TPHCM đang xem xét và sắp tới sẽ trình HĐND TPHCM bổ sung đối tượng người làm việc theo diện hợp đồng 68 được hưởng thu nhập tăng thêm (hiện nay, những người này đang hưởng thu nhập tăng thêm theo sự “chia sẻ” của đơn vị, không có hệ số cụ thể - PV).
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở LĐTB-XH TPHCM phải phân tích trong số lao động đã qua đào tạo nghề là 85% thì từng ngành nghề cụ thể đã đảm bảo chưa? Đặc biệt, 4 ngành nghề trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất – nhựa cao su, chế biến tinh lương thực – thực phẩm), sở cần xem lại, chú trọng chất lượng đào tạo nghề đảm bảo cung ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Đánh giá khâu phân tích thị trường lao động rất quan trọng, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở LĐTB-XH TPHCM và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp, làm tốt công tác phân tích, từ đó có giải pháp đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, sở phải đánh giá thực trạng đào tạo nghề trên địa bàn TP, xác định ngành nghề cần chú trọng đào tạo và tập trung vào đào tạo lao động chất lượng cao, giảm thâm dụng lao động.
Ở lĩnh vực chính sách có công, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở LĐTB-XH TPHCM rà soát lại chất lượng nhà ở của người có công trên địa bàn TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM đã cơ bản đảm bảo hỗ trợ nhà ở cho người có công, tuy nhiên, qua nhiều năm, có thể nhà ở của người có công đã xuống cấp. Vì thế, sở cần rà soát, xem xét chu đáo.
“Ngân sách TPHCM có khó khăn kiểu gì thì TP vẫn phải đảm bảo chính sách có công”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.