Chiều 2-6, UBND TPHCM tổ chức phiên họp báo thường kỳ để thông tin về tình hình kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Các đồng chí: Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM; Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TPHCM, chủ trì buổi họp báo.
Các học sinh xô xát trong trường trước khi đánh nhau bên ngoài
Tại buổi họp báo, trả lời báo chí về vụ việc bạo lực giữa các học sinh trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA), ông Hồ Tấn Minh cho biết, Sở đã tham mưu và UBND TPHCM đã có công văn số 1781 ngày 31-5 báo cáo Bộ GD-ĐT.
Sau đó nhà trường tiến hành trích xuất camera trong trường và camera an ninh các tòa nhà, phỏng vấn, tìm hiểu thông tin các quán gần đó để nắm bắt thông tin, sau đó mới làm việc với phụ huynh. Tuy nhiên, một số phụ huynh bất hợp tác, không đến theo lời mời để trao đổi liên quan vụ việc.
Ngày 31-5 trường đã tiếp xúc với các phụ huynh. Ông Hồ Tấn Minh cho biết Sở đã yêu cầu trường chậm nhất ngày 3-6 phải báo cáo kết quả thực hiện. Quan điểm của Sở, vụ việc này thuộc trách nhiệm nhà trường, nên nhà trường phải xử lý rốt ráo.
Theo công văn 1781, về quan điểm chỉ đạo, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tiếp tục hướng dẫn đơn vị tổ chức giải quyết vụ việc khẩn trương, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, ổn định tâm lý phụ huynh và học sinh, không ảnh hưởng đến việc dạy và học tại trường.
UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Công an TPHCM có biện pháp nắm bắt, xử lý thông tin chưa chính thống, thông tin trái chiều trên mạng xã hội khi sự việc chưa có kết luận của cơ quan chức năng liên quan, kịp thời bảo vệ nhà trường, cá nhân tập thể sư phạm khi bị đe dọa, khủng bố tinh thần khi chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chuyên môn.
“Đây là quan điểm của Sở GD-ĐT và cũng là quan điểm của UBND TPHCM. Sở đã tiếp nhận nhiều đơn của các phụ huynh với các nội dung trái chiều. Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng để cùng giải quyết vụ việc, sau khi có kết quả giải quyết chính thức của trường quốc tế”, ông Hồ Tấn Minh cho biết.
Tuy nhiên cũng tại buổi họp báo, khi được hỏi về việc “nắm bắt, xử lý thông tin chưa chính thống…” theo quan điểm trên, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, đây mới là đề xuất của Sở GD-ĐT và Công an TPHCM chưa có thông tin cung cấp cho báo chí.
Đáng chú ý, theo công văn 1781, khởi điểm sự việc là sự trêu ghẹo qua lại giữa các học sinh với nhau. Sự việc càng trở nên căng thẳng khi các em có lời nói không hay dành cho nhau.
Sau khi tan học lúc 14 giờ 30 phút, ngày 26-5, có 2 học sinh xô xét nhau tại khu vực cầu thang nhà trường. Sau đó, khoảng 15 giờ, có xô xát giữa nhóm 3 học sinh xảy ra ngoài khuôn viên trường.
Đã chuẩn bị đủ thuốc điều trị sốt xuất huyết
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, đây là bệnh dịch lưu hành tại khu vực phía Nam. Bệnh gia tăng vào mùa mưa và thường có chu kỳ khoảng 3-4 năm sẽ có 1 năm số ca mắc tăng cao hơn những năm khác. Năm 2020 TPHCM có số ca mắc cao khoảng 25.900 ca. Năm 2021 khoảng 12.600 ca. Tình hình năm nay có khả năng số ca mắc sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay hệ thống điều trị của TP đã có kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị bệnh sốt xuất huyết. Để chuẩn bị cho công tác điều trị sốt xuất huyết năm nay, trong thời gian vừa qua Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn lại cho các cơ sở y tế, chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dịch truyền để bảo đảm điều trị sốt xuất huyết.
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan chức năng của TPHCM cũng trao đổi một số thông tin liên quan đến công tác cải cách hành chính, phòng chống cây xanh ngã đổ mùa mưa bão, chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022…
Trao đổi về việc đối tượng xấu lợi dụng đánh cắp thông tin hoặc giả thông tin cá nhân để trục lợi, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, hiện nay các đối tượng tội phạm qua mạng triệt để lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo như: tạo tài khoản giả, làm giấy tờ giả, tạo app vay tiền qua tín dụng.
Năm 2021, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TPHCM đã phát hiện, điều tra, chuyển cơ quan điều tra, công an các quận, huyện khởi tố 2 vụ án, bắt tạm giam 7 đối tượng vì hành vi làm giả giấy tờ và tạo tài khoản ngân hàng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Lê Mạnh Hà, việc thực hiện Đề án 06 Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 – là giải pháp căn cơ để giảm được loại tội phạm này.
“Công dân khi phát hiện các trường hợp vi phạm, đối tượng lợi dụng thông tin tài sản cá nhân của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị người dân trực tiếp hoặc gián tiếp báo đến cơ quan công an, viết đơn tố cáo kèm theo các tài liệu liên quan để cơ quan chức năng của Công an TPHCM tiếp nhận và xử lý vụ việc”, ông Lê Mạnh Hà nói.
Không cố tình ngăn đường ở Xa lộ Hà Nội để tận thu Liên quan đến việc tổ chức giao thông khu vực dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho biết, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM CII. Theo ông Bằng, công ty này đã thi công đúng phương án thiết kế được duyệt và phương án tổ chức giao thông hiện nay đảm bảo an toàn cao, phù hợp với thực tế. Chủ đầu tư cũng khẳng định không cố tình ngăn đường để tận thu. Chủ đầu tư dự án cho biết thêm, sau khi toàn bộ đường song hành xa lộ Hà Nội được nghiệm thu đưa vào sử dụng, chủ đầu tư đã thi công hoàn thiện bó vỉa, lề đường của khu vực dạ cầu Rạch Chiếc. Việc thi công lề đường đã làm “mất” lối đi tắt mà các hộ dân đã đi trước đây, gây hiểu lầm là “CII đóng đường”. Trong khi lối đi tắt này thực tế không an toàn, gây xung đột phương tiện, ùn tắc giao thông… |