HĐXX cho biết, cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện, khách quan các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Vì vậy, HĐXX đã bác kháng cáo của bị cáo Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) và 6 đồng phạm khác.
Đối với bị cáo Phan Thanh Tân (nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM) và bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Bích (nguyên kế toán trưởng Công ty Tân Thuận), HĐXX xét thấy 2 bị cáo này có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đã chấp nhận một phần kháng cáo của 2 bị cáo.
HĐXX đã sửa án sơ thẩm đối với bị cáo Phan Thanh Tân từ 3 năm tù giam thành 3 năm tù treo, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Bích từ 4 năm xuống còn 2 năm 4 tháng tù.
Các bị cáo tại tòa |
Đồng thời, HĐXX cũng bác kháng nghị của VKSND TPHCM về việc xác định thời điểm và số tiền thất thoát. HĐXX cho rằng, cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện, khách quan và căn cứ vào thiệt hại thực tế.
Còn đối với kháng cáo của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về việc cho nhận lại số tiền 16,9 tỷ đồng đang bị tạm giữ trong tài khoản của Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM thì HĐXX chấp nhận kháng cáo này. Về kháng cáo xin tiếp tục được thực hiện dự án Khu dân cư Ven Sông của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, HĐXX cho rằng không thuộc thẩm quyền xem xét. Vì vậy, HĐXX kiến nghị UBND TPHCM và các cơ quan có liên quan giải quyết theo quy định về pháp luật đất đai.
Trước đó, ngày 19-10-2022, TAND TPHCM tuyên bị cáo Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) 6 năm tù. Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM, HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang 8 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”, do liên quan vụ Công ty IPC, Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) phát hành giá rẻ 9 triệu cổ phần cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Tổng hợp với hình phạt với bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành tổng cộng 14 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM) nhận 11 năm tù, tổng hợp với hình phạt trong bản án trước, bị cáo phải chấp hành tổng cộng là 17 năm tù; Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy TPHCM) 9 năm tù, tổng hợp với hình phạt trong bản án trước, bị cáo phải chấp hành tổng cộng là 21 năm tù; Phan Thanh Tân 3 năm tù.
Nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công ty Tân Thuận gồm: Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Tân Thuận) 8 năm tù, tổng hợp với hình phạt trước đó, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 11 năm; Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) 13 năm tù, tổng hợp với hình phạt trước đó, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 26 năm tù; Trần Tấn Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) 5 năm tù; Nguyễn Thị Ngọc Bích 4 năm; Nguyễn Xuân Tùng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh tổng hợp Công ty Tân Thuận) 4 năm tù; Nguyễn Hoàng Việt (nguyên kiểm soát viên Công ty Tân Thuận) 3 năm tù.
Cáo trạng cho rằng tài sản nhà nước bị thất thoát ở 2 dự án là 735 tỷ đồng. Trong quá trình tranh tụng tại tòa, HĐXX sơ thẩm nhận định số tiền thất thoát phải tính tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Đối với dự án Ven Sông thất thoát 52 tỷ đồng, dự án Phước Kiển thất thoát 154,8 tỷ đồng. Tổng số tiền thất thoát là hơn 207 tỷ đồng.
Sau bản án sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND TPHCM kháng nghị đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng xác định thời điểm thất thoát tài sản nhà nước trong vụ án thực tế là số tiền nhà nước bị thất thoát cho đến khi được ngăn chặn, tức là thời điểm Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM ra quyết định khởi tố vụ án.