Quyền lực tuyệt đối ở SCB
Theo hồ sơ, mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhưng do luôn nắm giữ cổ phần chi phối (từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần SCB) nên bà Trương Mỹ Lan là người có quyền lực cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB. Bằng nhiều phương thức và thủ đoạn, bà Lan đã sử dụng SCB để huy động vốn, sau đó tổ chức, chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thông đồng, cấu kết, lập hồ sơ hợp thức hóa các khoản vay để rút ra rất nhiều khoản tiền lớn, thường là các khoản vay khống.
Từ năm 2012 đến 2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân hơn 2.500 khoản với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, còn 1.284 khoản vay và còn dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Dư nợ gốc các khoản vay của bà Lan chiếm tới 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.000 khoản vay còn dư nợ tại SCB.
Về dòng tiền đã giải ngân, SCB ghi nhận số tiền giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân.
Dòng tiền của 1.284 khoản vay với hơn 483.000 tỷ đồng dư nợ gốc của bà Lan được xác định số trả nợ khoản vay cũ tại SCB là hơn 57.000 tỷ đồng; tổ chức cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB là hơn 381.000 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB là hơn 5.200 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân rút tiền mặt hơn 81.000 tỷ đồng.
Để hợp thức việc rút tiền tại SCB, tránh sự phát hiện của cơ quan nhà nước, bà Lan chỉ đạo: đối với trường hợp SCB thì giải ngân vào tài khoản của các công ty “ma” thụ hưởng tiền theo phương án vay; chỉ đạo cấp dưới tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập phương án thực hiện “giải quỹ” bằng cách lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, sử dụng nhiều cá nhân mở tài khoản tại SCB nhằm ký rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền lòng vòng vào tài khoản của công ty trong nhóm, cuối cùng sẽ chuyển tiền đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Lan.
Nhiều cá nhân giúp bà Lan rút tiền từ SCB
Trong vụ án này, các bị can tại SCB bị cáo buộc đã giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt tiền của SCB. Đầu tiên là ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB). Từ năm 2012 đến 2020, ông Thành được bà Lan sắp xếp làm Chủ tịch HĐQT SCB. Ông Thành đã ký hồ sơ cấp tín dụng cho các khoản vay của bà Lan nhưng cho các công ty “ma”, cá nhân được thuê đứng tên.
Với hành vi trên, ông Thành bị cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Lan phạm tội. Cá nhân ông Thành đã gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 42.000 tỷ đồng. Ông Thành cũng bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh hơn 99.000 tỷ đồng.
Người đứng thứ 2 trong danh sách giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt tiền của SCB là ông Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB). Bị can biết rõ các khoản vay của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, sau đó rút tiền của SCB.
Quá trình rút tiền, theo chỉ đạo của bà Lan, các đơn vị tại SCB không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn và được theo dõi riêng trên hệ thống dữ liệu của SCB.
Quá trình làm việc tại SCB, ngoài tiền lương, lễ tết, ông Dũng còn được bà Lan cho 500.000 cổ phiếu SCB (khoảng 5 tỷ đồng). Với các hành vi trên, ông Bùi Anh Dũng bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB tổng số hơn 200.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, các cá nhân như ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB), bà Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đang bỏ trốn) được xác định giúp sức cho bà Lan rút tiền khỏi SCB, gây thiệt hại cho SCB tổng số tiền hơn 101.000 tỷ đồng. Ông Tạ Chiêu Trung (cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB) bị cáo buộc gây thiệt hại tổng số tiền hơn 4.700 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị can Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu gái bà Trương Mỹ Lan) đã nộp khắc phục hơn 1 tỷ đồng và 3.000USD. Ông Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Thời đại Times Square, chồng bà Lan) nộp khắc phục 1 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) nộp khắc phục 4,8 triệu USD cùng 10 sổ tiết kiệm có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) nộp lại 390.000USD. Đại gia Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) nộp khắc phục trên 650 tỷ đồng và hơn 3.300USD. Còn bị can Dương Tấn Trước (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt) nộp khắc phục hơn 52 tỷ đồng và trả lại cho SCB trên 800 tỷ đồng...