Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án trên đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ liên quan đến lĩnh vực an ninh năng lượng, an ninh tài chính, ngân hàng xảy ra từ Trung ương đến địa phương, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo kết luận điều tra, để được kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil phải được Bộ Công thương cấp phép. Khi công ty không đủ điều kiện để được cấp giấy phép, bị can Mai Thị Hồng Hạnh đã nghĩ ra phương án đưa hối lộ cho bị can Nguyễn Lộc An tổng số 400 triệu đồng và một chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe.
Cụ thể, tháng 3-2016, thông qua quan hệ xã hội, bị can Hạnh được làm quen với bị can An. Tại khách sạn Victory (quận 3, TPHCM), Hạnh đề nghị Nguyễn Lộc An giúp đỡ cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu do Công ty Xuyên Việt Oil chưa đủ điều kiện về hệ thống phân phối.
Sau đó, bị can Nguyễn Lộc An đồng ý nhưng thông báo phải chi theo mặt bằng chung 5-7 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu bị can Hạnh phải hợp thức hóa các điều kiện còn thiếu và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép vào bộ phận một cửa của Bộ Công thương để ông xử lý. Ở lần gặp mặt này, bị can An nhận 50 triệu đồng từ Hạnh.
Nghe theo hướng dẫn của bị can Nguyễn Lộc An, bị can Hạnh đã liên hệ một số doanh nghiệp và đặt vấn đề hợp tác, ký kết để hợp thức hóa điều kiện số lượng đại lý bán lẻ xăng dầu. Trong tháng 5-2016, tại nhà khách Bộ Công thương (ở quận 1, TPHCM), bị can An đã gặp và nhận 100 triệu đồng từ Hạnh.
Hồ sơ điều tra xác định, đến ngày 24-6-2016, bị can Hạnh đã ký đơn đề nghị gửi Bộ Công thương về việc xin cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil, kèm theo các tài liệu chứng minh. Đến giữa tháng 8-2016, bị can Nguyễn Lộc An dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ Công thương đến làm việc tại trụ sở Công ty Xuyên Việt Oil để kiểm tra thực tế.
Theo kết luận điều tra, dù không kiểm tra đầy đủ các đại lý bán lẻ, cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu..., nhưng bị can An đã ký biên bản xác nhận có nội dung "công ty đáp ứng đủ các điều kiện". Lần này, bị can An khai được Hạnh đưa 250 triệu đồng.
Đến ngày 19-8-2016, Nguyễn Lộc An đề xuất Thứ trưởng Bộ Công thương khi đó là Đỗ Thắng Hải ký ban hành giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. 3 ngày sau, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Cuối tháng 7-2017, nhân dịp bị can An công tác tại TPHCM, lấy lý do chúc mừng sinh nhật muộn, bị can Hạnh mời bị can An đến nhà ăn tối và tặng một đồng hồ hiệu Patek Philippe. Chiếc đồng hồ này, theo lời khai của bị can Nguyễn Lộc An, đã được đem bán với giá 23.000 USD, tương đương hơn 520 triệu đồng.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định có 4 nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội trong vụ án trên.
Thứ nhất, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không được quản lý tập trung mà được để tại doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh và giao doanh nghiệp tự quản lý.
Thứ hai, công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu dù quan trọng nhưng được giao cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thu hộ.
Thứ ba, cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm.
Cuối cùng, vì động cơ vụ lợi nên nhiều cán bộ, lãnh đạo thiếu gương mẫu, suy thoái đạo đức, lối sống đã lợi dụng việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để trục lợi.