Theo cáo trạng, với diễn biến hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt, các cơ quan tố tụng trung ương đã khởi tố, điều tra Việt cùng đồng phạm về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra trong quá trình Công ty Việt Á bán kit test Covid-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An và Bình Dương.
Hiện nay, cơ quan tố tụng trung ương đã phân công cho các cơ quan tố tụng địa phương tại 61 tỉnh, thành phố xác minh, khởi tố, điều tra về sai phạm trong việc mua kit test Covid-19 tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập khác trên địa bàn.
Bị can Phan Quốc Việt. Ảnh: TRẦN LƯU |
Đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an thuộc 15 tỉnh/thành phố đã khởi tố 17 vụ án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 2 tỉnh khởi tố về tội “Đưa hối lộ”. “Nhận hối lộ”.
Trên cơ sở kết quả điều tra, cơ quan quan điều tra công an các tỉnh, thành phố đã tách hành vi, hồ sơ, tài liệu liên Phan Quốc Việt và đồng phạm tại Công ty Việt Á, chuyển về Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhập vào vụ án này để kết luận, xử lý.
Theo đó, diễn biến vụ việc cho thấy, trong năm 2020, khi xảy ra các đợt dịch Covid-19, tỉnh Hải Dương đã mua và sử dụng 3 loại kit test Covid-19, trong đó có kit của hãng Thermofisher Mỹ, đơn giá 185.000 đồng/kit để phục vụ công tác xét nghiệm chống dịch.
Ngày 27-1-2021, UBND tỉnh Hải Dương công bố dịch đợt 3. Để được tiêu thụ kit test tại tỉnh Hải Dương, Phan Quốc Việt đã nhờ Nguyễn Huỳnh (thư ký ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó) và ông Nguyễn Thanh Long tác động và được Phạm Xuân Thăng (Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) đồng ý.
Ông Thăng sau đó đã chủ trì cuộc họp và thông báo chỉ đạo cho Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm Covid-19 tại địa phương.
Ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Việt Á |
Có được ý kiến từ người cao nhất của tỉnh, Phan Quốc Việt tiếp tục đề nghị ông Thăng được tham gia mở rộng phạm vi xét nghiệm, độc quyền bán kit test Covid-19 ở tỉnh này và các sinh phẩm y tế khác. Sau đó, Việt đã thống nhất với Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) sau khi thanh toán sẽ chi 20%-25% giá trị hợp đồng cho Tuyến.
Tại tỉnh Hải Dương, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại hơn 73,8 tỷ đồng. Riêng cá nhân ông Phạm Xuân Thăng nhận của Phan Quốc Việt được xác định là hơn 4 tỷ đồng; cá nhân Phạm Duy Tuyến nhận 27 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bắc Giang, từ ngày 12-3-2020 đến 8-4-2020, Phan Quốc Việt thống nhất với ông Đặng Thanh Minh (cựu Giám đốc CDC Bắc Giang) để chỉ đạo bà Phạm Thị Duyên (Phó trưởng Khoa Dược vật tư y tế) liên hệ trực tiếp với Công ty Việt Á, ứng kit test Covid-19 để sử dụng trước.
CDC Bắc Giang đã ứng 2.000 kit test của Công ty Việt Á, sau đó ông Minh chỉ đạo Ngụy Thị Hậu (Phó trưởng phòng tài chính kế toán) hợp thức chứng thư thẩm định giá và thủ tục để ông Minh ký hợp thức các thủ tục thầu để thanh toán 1 hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ đồng cho Công ty Việt Á.
Đến tháng 4-2020, Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Phan Anh) thống nhất với ông Đặng Thanh Minh, Phan Quốc Việt để Công ty Phan Anh là đơn vị được Công ty Việt Á ủy quyền cung cấp kit test do Công ty Việt Á sản xuất cho CDC Bắc Giang.
Từ tháng 4-2020 đến tháng 11-2020, Đặng Thanh Minh đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ thầu và thanh toán 2 hợp đồng trị giá hơn 7,6 tỷ đồng cho Công ty Phan Anh.
Tháng 12-2020, Lâm Văn Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc CDC Bắc Giang, tiếp tục thống nhất với Phan Huy Văn về việc ứng trước kit test Covid-19 và hợp thức hồ sơ, thủ tục thanh toán như trên. Tuấn đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ để thanh toán 8 gói thầu, tổng giá trị hơn 142 tỷ đồng.
Quá trình cung cấp kit test Covid-19 cho CDC Bắc Giang thông qua Công ty Phan Anh, Phan Quốc Việt đã thống nhất với Phan Huy Văn, Phan Thị Khánh Văn (chị gái Văn) chi phần trăm ngoài hợp đồng cho CDC Bắc Giang. Sau đó, chuyển hơn 44 tỷ đồng ngoài hợp đồng cho Công ty Phan Anh, từ đó bà Văn đưa cho Tuấn 5 tỷ đồng để cảm ơn. Cơ quan điều tra xác định, hậu quả của vụ án tại đây là 105 tỷ đồng.
Tại tỉnh Nghệ An, trong thời gian dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An) đã chỉ đạo cấp dưới thống nhất với nhân viên Công ty Việt Á để cung ứng kit test Covid-19 sử dụng trước rồi hợp thức đấu thầu sau. Sau khi nhận được tiền thanh toán từ CDC Nghệ An, Phan Quốc Việt chỉ đạo nhân viên chi tiền phần trăm cho CDC Nghệ An trái quy định. Hậu quả vụ án tại địa phương này được xác định là hơn 16,5 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bình Dương, khi dịch bùng phát, địa phương này đang sử dụng kit test Covid-19 của hãng Roche. Tuy nhiên, CDC Bình Dương đã mượn kit test Covid-19 của Công ty Việt Á để sử dụng. Thời điểm đó, ông Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương) chỉ đạo cấp dưới liên hệ với nhân viên Công ty Việt Á ứng kit test để sử dụng trước, sau đó hợp thức hồ sơ đấu thầu. Sau này, CDC Bình Dương đã hợp thức để Công ty Việt Á trúng thầu hơn 300.000 kit test Covid-19. Tổng số tiền thiệt hại được xác định là hơn 55,7 tỷ đồng.
Tại tỉnh Đồng Tháp, Công an tỉnh này đã khởi tố Nguyễn Thị Lệ Ngọc (cựu Phó trưởng Khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, CDC Đồng Tháp) và Trần Văn Hai (cựu Giám đốc CDC Đồng Tháp) về tội vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại 5 hợp đồng, xác định gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước là hơn 79 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, cơ quan điều tra xác định Phan Quốc Việt và lãnh đạo CDC tỉnh này gây thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Tại tỉnh Vĩnh Long, một số cá nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng với Phan Quốc Việt gây thiệt hại hơn 12,3 tỷ đồng. Tại tỉnh Cà Mau, Phan Quốc Việt và lãnh đạo CDC tỉnh này gây thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng.
Trong vụ án, TP Hà Nội được xác định các bị can tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông gây thiệt hại hơn 3,3 tỷ đồng; các bị can tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì gây thiệt hại hơn 1,7 tỷ đồng; các bị can tại CDC Hà Nội gây thiệt hại hơn 9,1 tỷ đồng.