Vụ án Vạn Thịnh Phát: SCB được “giúp sức nhiệt tình” ra sao?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định, hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có sự “giúp sức nhiệt tình” của các cá nhân tại NHNN chi nhánh TPHCM.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định, hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có sự “giúp sức nhiệt tình” của các cá nhân tại NHNN chi nhánh TPHCM, trong đó, tập trung vào 4 tổ giám sát giai đoạn từ tháng 3-2016 đến tháng 10-2022.

Tự sửa báo cáo để có lợi cho SCB

C03 nêu rõ, NHNN và Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã có văn bản đề nghị Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TPHCM (Cục II) có ý kiến đối với việc tái cơ cấu SCB, giai đoạn 2015-2019. Nhận được chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Dũng (cựu Cục trưởng Cục II) giao bà Nguyễn Thị Phi Loan (cựu Phó Cục trưởng Cục II) và Nguyễn Tín (cựu Tổ trưởng tổ giám sát) thực hiện.

Tuy nhiên bà Loan và ông Tín đã báo cáo ông Dũng không đúng thực trạng tài chính của SCB. Ông Tín còn dự thảo báo cáo về các nội dung tham gia ý kiến với kế hoạch tái cơ cấu SCB và xác nhận việc triển khai gói tín dụng thông thường 13.300 tỷ đồng được NHNN phê duyệt để trình ông Dũng ký gửi Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng để báo cáo Thống đốc NHNN phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu.

C03 cũng làm rõ, tháng 6-2017, sau khi kiểm tra SCB, các thành viên tổ giám sát đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại SCB và đưa ra nhiều kiến nghị đề xuất xử lý, nhưng Võ Văn Thuần (cựu Cục phó Cục II) đã chỉ đạo ông Nguyễn Tín báo cáo sai sự thật và không đầy đủ về các sai phạm tại SCB.

Ông Võ Văn Thuần còn tự sửa báo cáo của tổ giám sát khi phát hiện ra vi phạm của SCB trong việc tái cơ cấu và trước đề nghị liệt SCB vào diện kiểm soát đặc biệt; đồng thời, ông Thuần yêu cầu cấp dưới làm lại báo cáo để mình ký duyệt trình lãnh đạo cấp trên theo hướng có lợi cho SCB. Hành vi của ông Võ Văn Thuần bị C03 cáo buộc là cố ý.

Nhận tiền bỏ qua sai phạm

C03 kết luận, việc thanh tra, giám sát đối với SCB đều có quy định về 4 biện pháp trong giám sát. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến tháng 9-2022, Cục II và NHNN chi nhánh TPHCM đã không triển khai quyết liệt biện pháp kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất đối với SCB theo chức năng, nhiệm vụ mà chỉ triển khai biện pháp giám sát an toàn vĩ mô và giám sát qua báo cáo của SCB.

Quá trình thực hiện giám sát qua báo cáo, khi xét thấy rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tổ giám sát đề xuất lãnh đạo Cục II hoặc NHNN chi nhánh TPHCM kiểm tra, thanh tra đối với SCB. Thời gian trên, tổ giám sát có 70 lượt báo cáo, đề xuất phải kiểm soát, đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, nhưng không được lãnh đạo Thanh tra Giám sát NHNN chi nhánh TPHCM chấp thuận.

C03 cáo buộc, ông Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Nguyễn Tín, bà Nguyễn Thị Phi Loan đã ngăn chặn, cản trở việc báo cáo đúng sự thật hoặc khi báo cáo thì nói không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của SCB. Nhóm người này cũng không có kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, cố ý làm trái ý kiến của lãnh đạo NHNN. Quá trình thực hiện, chỉ đạo thanh tra, giám sát đối với SCB, các cá nhân nêu trên đã nhận của SCB từ 470 triệu đồng đến 1,8 tỷ đồng.

Lập khống hồ sơ lấy hơn 1,4 triệu tỷ đồng

Các sai phạm “đình đám” tại SCB là việc bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống hàng ngàn hồ sơ vay vốn để rút tiền cho các mục đích cá nhân/trả nợ các khoản vay cũ. Động thái này nhằm che giấu thực trạng tín dụng xấu, rủi ro cao của SCB. Hành vi làm khống hàng ngàn hồ sơ trên chủ yếu diễn ra trong giai đoạn từ tháng 3-2016 đến tháng 10-2022, tổng số tiền giải ngân hơn 1,4 triệu tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục