85 người còn lại bị đề nghị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là một loại hình công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đồng thời là một tổ chức tín dụng, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Bà Trương Mỹ Lan không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng là người có quyền tại đây vì từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay, người này luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại (<10%) do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Bị can Trương Mỹ Lan |
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra cáo buộc bà Trương Mỹ Lan sử dụng SCB để huy động vốn, sau đó chỉ đạo người tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ hợp thức hóa như một khoản vay để rút tiền. Theo đó, bà Lan chiếm đoạt đặc biệt lớn, lên đến 304.096 tỷ đồng của SCB. Đây được xác định là tiền người dân, khách hàng gửi. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, bà Lan bị cáo buộc gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, bà Trương Mỹ Lan khai nhận, trước năm 2012, bà đã sở hữu/chi phối phần lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa. Để sáp nhập thành công 3 ngân hàng, bà Lan phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần trở lên để thông qua bỏ phiếu mới quyết định được việc hợp nhất 3 ngân hàng, các cổ đông khác sẽ không chống đối được việc hợp nhất.
Để thực hiện việc này, trong năm 2011, bà Trương Mỹ Lan thu gom mua cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất và nhờ người thân, quen đứng tên. Đến cuối năm 2011, thời điểm trước khi hợp nhất, bà Trương Mỹ Lan khai đã sở hữu/chi phối 80,46% cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất; 98,74% cổ phần Ngân hàng Tín Nghĩa; 81,43% cổ phần SCB.
Thời điểm ngày 1-1-2012, khi 3 ngân hàng hợp nhất, bà Lan thông qua 74 pháp nhân, cá nhân sở hữu/chi phối hơn 85% cổ phần SCB, đồng thời là người nắm toàn bộ quyền lực, chi phối SCB sau khi hợp nhất.
Cơ quan điều tra xác định, bà Trương Mỹ Lan biết Ngân hàng Nhà nước quy định một cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần của 1 ngân hàng nên bà chỉ đứng tên sở hữu gần 5% cổ phần và nhờ những cá nhân, pháp nhân đứng tên cổ phần giúp mình.
Bà Trương Mỹ Lan còn khai nhận, liên quan đến việc SCB cấp tín dụng cho các khách hàng, qua các thời kỳ bà đã trao đổi, chỉ đạo cấp dưới triển khai thực hiện. Bị can Trương Mỹ Lan khai nhận, khi gặp khó khăn về tiền để trả cho các khoản vay trước tại SCB, tùy theo từng thời kỳ mà các cấp dưới sẽ thông báo cho bà Trương Mỹ Lan biết để tìm phương án xử lý.
Để xử lý các khoản vay này, bà Trương Mỹ Lan đi gặp bạn bè để mượn tài sản (hoặc dự án) hoặc tài sản của mình sử dụng làm tài sản đảm bảo để đưa vào SCB vay tiền nhằm xử lý các khoản vay trước. Các tài sản sử dụng như vậy thường sẽ không đủ giá trị để đảm bảo cho số tiền vay. Để giải quyết việc này, nhóm bị can đã thuê thẩm định giá nâng giá trị tài sản đảm bảo.
Bà Trương Mỹ Lan còn khai nhận, tiền giải ngân các khoản vay trên được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè người thân mà bà Lan vay của họ; trả chi phí cho các hoạt động của SCB (các khoản chi mà không thể hạch toán chi phí được); trả tiền mua lại các dự án (các dự án đã mượn để thế chấp ngân hàng), sau đó, bà Trương Mỹ Lan mua lại; trả tiền gốc lãi trái phiếu; chi phí tiền định giá tài sản, công chứng tài sản…
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ tổng số tiền hơn 589 tỷ đồng và gần 15 triệu USD của các bị can trong vụ án.