Cụ thể, luật sư cho rằng mức án đề nghị 19-20 năm tù về tội tham ô tài sản của Viện kiểm sát là nghiêm khắc với một “người mẹ đang kiếm sống nuôi con”. Luật sư mong HĐXX xem xét lại vai trò, vị trí của bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm vì bị cáo không phải người có vai trò chỉ đạo mà chỉ là một người cung cấp thông tin theo yêu cầu, như “một người thủ kho”.
Bị cáo Tâm cũng chỉ làm nhiệm vụ chuyển giao thông tin cho các bị cáo khác, thực tế không ký bất cứ giấy tờ gì liên quan vay tiền; chỉ là người đánh máy hồ sơ; công ty thật hay công ty “ma”, bị cáo cũng không có quyền xem xét có làm hồ sơ vay hay không.
Luật sư trình bày, cho dù Tập đoàn VTP có vị trí của bị cáo Tâm hay không thì mô hình quản trị của Tập đoàn vẫn giữ nguyên, không ảnh hưởng. Bị cáo Tâm chỉ là người làm công ăn lương, nhận mệnh lệnh từ những thành phần cốt cán, thành viên HĐQT nên không thể không thực hiện công việc.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm nhiều lần khóc nghẹn, Chủ tọa phải dừng lại nhắc bị cáo bình tĩnh. Bị cáo trình bày, công việc mà bị cáo làm là quản lý tài sản của công ty và theo dõi dư nợ tài sản, không theo dõi dư nợ của công ty vay. Đối với việc thành lập các công ty “ma”, bị cáo không nắm vì chỉ hỗ trợ soạn thảo văn bản, hồ sơ sau đó gửi cho người khác thực hiện.
Về giải quỹ, bị cáo Tâm cho rằng trong cáo trạng và các phiên xét xử đều nói bị cáo giải quỹ trong khi bị cáo không hề hay biết gì về việc này.
Tại tòa, bị cáo Tâm cảm ơn bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) đã chứng minh cho vai trò của bị cáo tại tòa. Bị cáo Tâm mong HĐXX xem xét lại mức đề nghị 19-20 năm trong khi bị cáo chỉ là nhân viên bình thường.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), luật sư cũng cho rằng mức đề nghị 19-20 năm là quá nặng vì thực chất vị trí Phó Tổng giám đốc của bị cáo Phương Anh không đúng nghĩa, chỉ là chức danh cho “có lệ”.
Bị cáo Nguyễn Phương Anh chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, tìm pháp nhân đứng tên vay vốn để hợp thức hóa việc giải quỹ. Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được thưởng bất kỳ cổ phần, cổ phiếu, không được nhận tiền thưởng với mục đích hưởng lợi cá nhân.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Phương Anh bào chữa thân chủ của mình cũng như các bị cáo khác đều cố gắng làm việc cho Tập đoàn mà không nghĩ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nặng nề như hôm nay.
Theo cáo buộc của VKS, Trương Mỹ Lan chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Hồ Bửu Phương (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VTP) phối hợp Đặng Phương Hoài Tâm, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án “giải quỹ” đối với số tiền đã được SCB giải ngân vào tài khoản các công ty theo phương án vay khống. Để “giải quỹ”, các bị cáo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống giữa các "công ty ma”.
Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân được thuê đứng tên cổ phần của các "công ty ma” đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền về cho Trương Mỹ Lan sử dụng. Công ty hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan chức năng, thuế, thanh tra phát hiện sai phạm.
Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm là người trực tiếp nhận có chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan, quản lý tài sản, danh sách các cá nhân, công ty “ma” và dư nợ của các công ty này; phối hợp với Nguyễn Phương Anh thành lập công ty “ma” để đứng tên khoản vay; phối hợp với Nguyễn Phương Anh, Hồ Bửu Phương và các cá nhân liên quan lên phương án “giải quỹ” đối với số tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân, giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút số tiền hơn 171.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 57.000 tỷ đồng.
Còn bị cáo Nguyễn Phương Anh đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút số tiền hơn 297.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 128.000 tỷ đồng.