Vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm: Luật sư đề nghị xem xét lại tội danh của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Bào chữa cho Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), các luật sư của bị cáo đề nghị xem xét lại tội danh của bị cáo, trước đó bị Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt tử hình về 3 tội danh.

Ngày 20-3, TAND TPHCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Bào chữa cho Trương Mỹ Lan, các luật sư của bị cáo đề nghị xem xét lại tội danh của bị cáo, trước đó bị Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt tử hình về 3 tội danh.

Theo Luật sư Phan Trung Hoài, với tội “Tham ô tài sản”, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bị cáo Lan là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý với tài sản chiếm đoạt. Nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản được. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của tội “Tham ô tài sản” và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.

16.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại tòa ngày 20-3. Ảnh: CAO THĂNG

Đây là lần đầu tiên các cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và xét xử cổ đông của một Ngân hàng TMCP tư nhân không giữ chức vụ, quyền hạn nhưng có số cổ phần được coi là chiếm tỷ lệ chi phối, rất mong Hội đồng xét xử xem xét.

Còn theo Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, việc tách hành vi của bị cáo Lan ra làm 2 giai đoạn truy tố thành 2 tội danh khác nhau là không phù hợp dấu hiệu đặc trưng trong cấu thành tội phạm và không đúng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo quy định.

1.jpg
2.jpg
3.jpg
Các bị cáo trong vụ án tại tòa ngày 20-3. Ảnh: CAO THĂNG

Cụ thể, theo cáo trạng, từ ngày 1-1-2012 đến 31-12-2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến 17-10-2022 còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho SCB hơn 64.621 tỷ đồng.

Từ ngày 1-1-2018 đến 7-10-2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.372 tỷ đồng.

Luật sư Thiệp cho rằng, hành vi của bà Lan ở cả 2 giai đoạn đều là hành vi chỉ đạo lập khống hồ sơ vay vốn nhưng lại bị truy tố ở 2 tội danh là “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Vì vậy, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX xem xét.

4.jpg
7.jpg
Các luật sư của các bị cáo trong vụ án tại tòa ngày 20-3. Ảnh: CAO THĂNG

Với tội "Tham ô tài sản", luật sư Thiệp phân tích, theo quy định “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Trong khi đó, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và cáo trạng cũng xác định “bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB”. Vì vậy, luật sư Thiệp cho rằng, bà Lan không phải là người quản lý, điều hành SCB.

Do đó, tài sản của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan hoàn toàn không có trách nhiệm quản lý. Nếu có căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt tiền của SCB cũng không thể coi đó là dấu hiệu trong cấu thành tội “Tham ô tài sản”.

Chứng thư thẩm định giá của Hoàng Quân đã hết hiệu lực?

Trong phần bào chữa, các luật sư của Trương Mỹ Lan đặt câu hỏi liệu các chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân lập vào tháng 5-2023, đến nay còn giá trị pháp lý làm căn cứ đối trừ với dư nợ gốc và lãi tại thời điểm tháng 10-2022, để quy buộc bà Trương Mỹ Lan số tiền bị coi là chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại hay không?

10.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại tòa ngày 20-3. Ảnh: CAO THĂNG

Luật sư cho rằng cơ sở pháp lý của việc sử dụng chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân chỉ phục vụ báo cáo rà soát cho mục đích đặc biệt có yêu cầu bổ sung về định giá lại tài sản bảo đảm của Ngân hàng Nhà nước khi tổ chức tín dụng nằm vào diện kiểm soát đặc biệt và hiện các chứng thư này đã hết hiệu lực pháp luật.

Tin cùng chuyên mục