Ngày 24-9, TAND TPHCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Phiên tòa dành thời gian cho các luật sư tham gia xét hỏi.
Tham gia xét hỏi, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho 4 đồng phạm của bà Lan) cho biết, hiện có một người bạn của bà Trương Mỹ Lan ở Mỹ, liên hệ với luật sư bày tỏ muốn trả thay khoản vay 250 triệu USD (chưa gồm lãi) mà bà Lan đã vay của một vài tổ chức tín dụng nước ngoài.
Đồng thời, người bạn này còn muốn cho bà Lan vay thêm 130 triệu USD để khắc phục cho các bị hại.
Đối với Dự án 6A ở huyện Bình Chánh mà bà Lan đang có ý định bán rẻ 15.000 - 20.000 tỷ đồng để lấy tiền khắc phục hậu quả, luật sư Trang cho biết, người bạn mong muốn nộp thay bà Lan một số tiền nhất định để khắc phục hậu quả, với điều kiện phải giao cho người này quản lý dự án này.
Việc mua bán, chuyển nhượng dự án trên diễn ra hay không thì sau này hai bên sẽ trao đổi, thương lượng với nhau.
Trước đó, trả lời câu hỏi của luật sư về hướng khắc phục hậu quả, trả tiền lại các trái chủ, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi khoảng 17.000 tỷ đồng được một số ngân hàng sử dụng có nguồn gốc từ tiền phát hành trái phiếu.
Về quan hệ dân sự giữa các ngân hàng này với SCB sẽ được giải quyết sau và bị cáo sẵn sàng đứng ra để giải quyết.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng đề nghị sử dụng toàn bộ số tiền 356 tỷ đồng mà bị cáo đã khắc phục trong quá trình điều tra; 47 tỷ đồng các bị cáo khác đã khắc phục trong các giai đoạn; 304 tỷ đồng tiền phong tỏa trong các tài khoản của bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo liên quan (theo phụ lục số 7); tiền các cá nhân, tổ chức phải trả lại bị cáo trong giai đoạn 1 (Công ty Sơn Long Thọ đã nộp trước khi xét xử phúc thẩm); 18% cổ phần công ty Vietcombank – Bonday – Bến Thành, tương đương 919 tỷ đồng, để trả tiền cho trái chủ.
Bên cạnh đó, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng đề nghị dùng các tài sản không bị kê biên để khắc phục hậu quả: Tòa nhà 29 Liễu Giai (sẽ bán và trả nợ vay khoảng 250 triệu USD, phần còn lại xin nộp lại để khắc phục hậu quả); Dự án 6A (khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hiện SCB đang giữ giấy tờ; 65 tài sản khác nhưng không đảm bảo cho khoản vay nào; Dự án Almigo (Khu tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế, quận 1, TPHCM), gồm khoảng 160 sổ đỏ, trong đó khoảng 40 sổ đang cho SCB mượn.
Nói về lý do vì sao SCB tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) cho biết, do muốn đa dạng loại hình, tăng nguồn thu cho SCB trong quá trình tái cơ cấu.
Đồng thời, nhu cầu hoạt động của ngân hàng là huy động tiền gửi và hoạt động tín dụng nhưng có thời điểm ngân hàng không cần huy động tiền gửi quá nhiều, trong khi khách hàng của SCB mỗi năm mỗi tăng, không sử dụng hết. Nên SCB muốn giới thiệu cho khách hàng sản phẩm có lợi nhuận tốt hơn trên thị trường.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cảm thấy vui khi những đơn vị phát hành như bà Trương Mỹ Lan đã và đang cố gắng khắc phục cho các trái chủ. Bị cáo xin các trái chủ cho thêm thời gian để sự việc được giải quyết ổn thỏa.
Kết thúc phiên tòa ngày 24-9, Hội đồng xét xử thông báo đã kết thúc phần xét hỏi liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hội đồng xét xử sẽ xét hỏi các bị cáo về hành vi “Rửa tiền” và “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới” vào phiên tòa ngày 25-9.