Thuduc House không thuộc “rủi ro cao”
Trong vụ án này, 15 bị cáo là cựu cán bộ Cục Thuế TPHCM bị đưa ra xét xử về các tội Vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng xác định, Thuduc House là cơ sở kinh doanh thương mại có hoạt động xuất khẩu qua đất liền và có sự thay đổi bất thường về doanh thu tính thuế, có số thuế hoàn tăng đột biến (trên 20% so với cùng kỳ năm trước); doanh nghiệp có cùng mức thuế suất thuế GTGT đầu vào và đầu ra đề nghị hoàn; doanh nghiệp bên mua và doanh nghiệp bên bán có cùng chủ sở hữu, quan hệ liên kết. Đây là các dấu hiệu rủi ro cao phải thực hiện kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế theo quy định. Nhưng các quy trình đã không được thực hiện đúng, dẫn đến thiệt hại hơn 331 tỷ đồng tiền thuế GTGT cho nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM trả lời câu hỏi của HĐXX chiều 9-6. Ảnh: HỮU HẠNH |
Bị cáo đầu tiên trong nhóm 15 bị cáo cựu Cục Thuế TPHCM bị xét hỏi ngày 9-6 là Nguyễn Hòa Bình là công chức Phòng Kê khai kế toán thuế, Cục Thuế TPHCM. Cáo trạng nêu, Bình là người trực tiếp nghiên cứu, đề xuất hoàn thuế 15 kỳ hoàn thuế trước, kiểm tra sau (từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2019); lập, ký 15 phiếu đề xuất hoàn thuế trái quy định, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 331 tỷ đồng, phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Bình cho biết, theo quy định, Phòng Kê khai kế toán thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House – trường hợp này là nộp hồ sơ qua mạng, hoàn thuế điện tử. Theo các tiêu chí rủi ro về thuế, hồ sơ của Thuduc House được phân loại thuộc diện hoàn trước, kiểm tra sau.
Chủ tọa đặt câu hỏi về việc số thuế hoàn tăng cao đột biến có phải là một yếu tố rủi ro cao? Bình cho biết, theo quy định thì trường hợp này không phải rủi ro cao, mà thuế hoàn tăng đột biến thì vẫn được hoàn trước nhưng buộc phải kiểm tra trong vòng 1 năm sau quyết định hoàn thuế.
Chủ tọa dẫn hồ sơ vụ án có tờ trình của bị cáo Bình về kỳ hoàn thuế tháng 7-2018, trong đó Bình nhận thấy các dấu hiệu rủi ro và kiến nghị chuyển thanh tra kiểm tra toàn diện. Tuy nhiên, sau đó Bình vẫn lập phiếu đề xuất hoàn thuế cho Thuduc House.
Chủ tọa nêu, khi thấy các dấu hiệu này lẽ ra phải dừng hồ sơ hoàn thuế lại, họp nhiều phòng ban liên quan để xem xét toàn bộ thông tin: “Luật quy định rất chặt chẽ, nhưng các bị cáo vin vào quy định là chỉ cần kiểm tra trong 1 năm chứ không cần kiểm tra ngay. Với trách nhiệm của cán bộ thì phải dừng lại. Chứ không có quy định nào buộc rủi ro cao như vậy mà vẫn phải hoàn thuế ngay”.
Bị cáo Bình trả lời, khi chưa có kết quả thanh tra kiểm tra thì bị cáo chưa có cơ sở pháp lý nào để đề xuất dừng lại việc hoàn thuế. Bình nói, kiểm tra hồ sơ thấy Thuduc House đã được kiểm trước, hoàn sau trong hai kỳ hoàn thuế trước đó, nhưng không phát hiện gian lận.
Bị cáo Nguyễn Hòa Bình trình bày: “Là công chức, đã được phân công công việc thì phải thực hiện. Hồ sơ Thuduc House là hồ sơ hoàn trước, kiểm sau. Nếu không đủ cơ sở để dừng việc hoàn thuế mà lại đề xuất như vậy, thì sẽ bị chế tài về công vụ và ngay chính người nộp thuế có thể khiếu nại về việc chậm hoàn và phải tính tiền phạt chậm hoàn”.
Tuy vậy, chủ tọa phân tích, khi Bình đề xuất kiểm tra thì lãnh đạo phòng đã yêu cầu kiểm tra cả các đơn vị liên quan, phối hợp với hải quan kiểm tra. Thậm chí có những biểu mẫu phiếu đề xuất hoàn thuế không có đủ chữ ký lãnh đạo phòng, vậy mà vẫn thực hiện thủ tục hoàn thuế.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM phải chống gậy tới dự phiên tòa. Ảnh: HỮU HẠNH |
Chiều 9-6, trả lời câu hỏi của thẩm phán chủ tọa phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, SN 1969, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM khẳng định luôn làm đúng lương tâm và trách nhiệm khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thuduc House cũng như các công ty khác. Bà thừa nhận thiếu sót khi không thực hiện đúng quy trình thủ tục hoàn thuế và lý giải bối cảnh công việc quá nhiều khiến bị cáo sai sót chủ quan.
Rủi ro lớn nhưng bị bỏ qua
Quá trình xét hỏi, các bị cáo còn cho biết hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House chỉ có giấy đề nghị hoàn thuế và văn bản thuyết minh chứ không đính kèm hợp đồng mua bán và các giấy tờ khác để chứng minh.
Bị cáo Lê Thúy Hằng, công chức Phòng nghiệp vụ dự toán pháp chế, trực tiếp thẩm định 3 phiếu đề xuất hoàn thuế kỳ tháng 4-2019 đến tháng 6-2019 cho Thuduc House. 3 kỳ hoàn thuế này có số tiền 162 tỷ đồng, bằng một nửa của 15 kỳ hoàn thuế sai phạm – là rủi ro lớn nhưng đã bị bỏ qua.
Bị cáo Hằng nói thẩm định dựa trên đề xuất của Phòng kê khai, 3 lần thẩm định, bị cáo nhận thấy Phòng kê khai đã đưa 2 dấu hiệu rủi ro, là hồ sơ có hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại và có số thuế hoàn tăng đột biến. Về số thuế hoàn tăng đột biến, doanh nghiệp đã giải trình là do tăng thêm các hợp đồng ký kết và nội dung giải trình được Phòng kê khai kế toán thuế chấp thuận.
Lúc đó bị cáo nhận thức với hai dấu hiệu này, Phòng kê khai đã nhận định là rủi ro, nhưng lại thuộc trường hợp kiểm tra sau hoàn thuế 1 năm. Về pháp lý thì như vậy là đúng quy định. Nhưng thời điểm này nhìn lại bị cáo thấy mình đã rất chủ quan.
“Lẽ ra bị cáo nên đề xuất lãnh đạo phòng để có biện pháp cứng rắn hơn. Bị cáo thấy trách nhiệm của mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bị cáo Hằng nói.
Qua xét hỏi các bị cáo là cựu cán bộ Cục Thuế, Chủ tọa phiên tòa nhìn nhận, luật quy định khi có rủi ro về thuế thì các phòng ban liên quan phải họp lại để đánh giá. Nhưng các khâu liên quan đã không thực hiện bước này, khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại hơn 331 tỷ đồng.