Theo TAND TPHCM, khi 5 công ty mở tài khoản thanh toán tiền gửi vào VietinBank và chuyển vào tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chuyển toàn bộ số tiền này ra khỏi hệ thống gửi tiền của VietinBank rồi chiếm đoạt. Hành vi này của Huyền Như có dấu hiệu “tham ô tài sản” chứ không phải “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao.
Cần nhắc lại, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TPHCM đã tuyên án tù chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; buộc phải bồi thường thiệt hại số tiền đã chiếm đoạt. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7-1-2015, Hội đồng xét xử tuyên hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm đã xử Huỳnh Thị Huyền Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty nói trên, trả hồ sơ để điều tra, truy tố, xét xử lại. Tuy nhiên, cáo trạng của Viện KSND tối cao vẫn truy tố Huỳnh Thị Huyền Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.