Sau ba ngày xét hỏi, dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai tại tòa của các bị cáo, VKS đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Hoà Bình tuyên phạt các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình) 7 - 8 năm tù; Khương Ngọc Chất (cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) 5 - 6 năm; Nguyễn Khắc Tuấn (cựu Chuyên viên phòng Khảo thí) 5 - 6 năm tù; Đào Ngọc Thuật (cựu giáo viên Trường THPT Mường Bi, huyện Tân Lạc) từ 3 - 4 năm; Diệp Thị Hồng Liên (cựu Phó phòng Khảo thí) từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù; Phùng Văn Thụ (cựu Trưởng phòng giáo dục thường xuyên) 12 - 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Quách Thanh Phúc (cựu Hiệu phó trường THPT 19-5) và Nguyễn Tân Hưng (cựu cán bộ phòng Khảo thí) từ 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Thị Hồng (cựu Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) cùng 3 giáo viên Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung và Bùi Thanh Trà từ 2 -2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) 7 - 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, 3 - 4 năm tù về “Nhận hối lộ”, tổng hợp hình phạt từ 10 - 12 năm tù.
Hồ Chúc (cựu giáo viên trường THPT Thanh Hà, huyện Lạc Thủy) từ 2 - 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Theo đại diện VKS, hành vi của 15 bị cáo trong vụ án gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy chế thi của Bộ GD-ĐT, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây mất lòng tin cho nhân dân, xúc phạm danh dự các thầy cô, làm tổn thương niềm tin của học sinh trên cả nước. Nếu vụ án không được ngăn chặn thì việc học giả, thi giả sẽ đẩy các mầm mống tương lai đi về đâu không ai hay.
Trước kỳ thi, nhiều bị cáo vì động cơ vụ lợi cá nhân, vụ lợi kinh tế đã cùng nhau tổ chức phạm tội. Đây là vụ án có tổ chức, các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức tích cực.
VKS cho rằng, vụ án này là bài học sâu sắc với những ai coi thường pháp luật khi chỉ vì động cơ cá nhân mà phạm pháp. Đồng thời, vụ án cũng là hồi chuông nhắc nhở công chức khi có ý định lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội thì cần loại bỏ ngay. Hơn nữa, các phụ huynh cần cho con em lựa chọn ngành nghề phù hợp hơn với năng lực để không xảy ra tình trạng chạy điểm, mua điểm.
Đại diện VKS nêu quan điểm, bị cáo Nguyễn Quang Vinh phải chịu trách nhiệm với việc nâng điểm của 65 bài thi, Mạnh Tuấn 65 bài, Khắc Tuấn 100 bài, Khương Ngọc Chất 10 bài, Diệp Thị Hồng Liên 20 bài.
Riêng bị cáo Khắc Tuấn phạm tội 2 lần vào năm 2017 và 2018 nên phải chịu tình tiết phạm tội nhiều lần.
VKS xác định, chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Quang Vinh. Theo đó, tháng 5-2018, ông Vinh chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp nâng điểm bài thi cho một số thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Ông Vinh đề xuất Đỗ Mạnh Tuấn là thành viên tổ chấm bài thi trắc nghiệm và bố trí tổ này làm việc, ăn nghỉ ngay sát phòng chứa bài thi. Ông Vinh và Mạnh Tuấn sau đó thống nhất sửa nâng điểm trực tiếp trên bài thi của các thí sinh trước khi quét file ảnh gửi về Bộ GD-ĐT. Ông Vinh có trách nhiệm chuẩn bị chìa khóa phòng chứa bài thi, bố trí niêm phong cửa phòng dễ bóc còn Mạnh Tuấn và Khắc Tuấn trực tiếp can thiệp nâng điểm.
Kết quả xác định có 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm cho một môn.